(bài viết được dịch từ bài nguyên gốc “Evolution of Communication : From Email to Twitter and Beyond” của Alex Iskold)
Hiếm khi chúng ta có đủ thời gian để dừng lại và chiêm nghiệm về sự phát triển vũ bão của công nghệ truyền thông hiện đại. Nhanh không kịp thở, người sử dụng đã phải làm quen với các loại hình truyền thông mới như email, chat, blog, mạng xã hội và bây giờ là Twitter cùng các dạng micro-blogging khác. Dưới đây là sơ đồ về ecosystem hiện nay của các loại hình truyền thông nói trên mà tôi sẽ giải thích kỹ hơn ở phía dưới :
Trong bài viết của mình, Fred Wilson đã nêu câu hỏi cái gì sẽ tiếp tục thúc đẩy email phát triển? (đồng nghĩa với việc email đang dần dần trở nên cũ kỹ). Tất nhiên email vẫn đang là một trong những dạng thức truyền thông kỹ thuật số được sử dụng nhiều nhất hiện nay, đặc biệt là trong kinh doanh nhưng đã bắt đầu có những dạng thức khác nổi lên như một sự thay thế cho email. Câu hỏi ở đây là có đúng như vậy không và tại sao lại như thế?
Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta cần hiểu được cơ chế hoạt động phía sau của tất cả các dạng thức truyền thông kỹ thuật số nói trên. Tại sao chúng xuất hiện và chúng làm thế nào để có thể thuyết phục được người sử dụng. Chúng ta cũng sẽ quay lại với các dạng thức truyền thông cổ điển khác như thư tín, điện thoại, báo giấy để có thể có một cái nhìn tổng quan hơn về các môi trường truyền thông cũng như sự phát triển của chúng.
Email so sánh với thư tín (Mail)
Hiểu được những gì sơ khai và cơ bản nhất luôn luôn tốt. Email khác với thư tín như thế nào? Có thể thấy sự khác biệt cơ bản nhất là email nhanh hơn và ảo hơn (bạn có thể sờ được một bức thư chứ làm sao sờ được một email, phải không?). Để gửi một bức thư tay, bạn cần phải trả tiền và trả cho từng bức thư một, thế nhưng hầu như bạn chẳng bao giờ phải trả một đồng xu nào cho email. Bởi vì email nhanh hơn nên chúng ta gửi chúng đi ngày càng nhiều, và chính bởi vì email được gửi đi ngày càng nhiều, hàm lượng thông tin bên trong chúng ngày lại càng nhỏ hơn so với một bức thư tay cổ điển. Nhìn theo cách này, chúng ta có thể thấy email không chỉ là một dạng thức thư tín khác (thư điện tử) mà là một dạng truyền thông khác hẳn. Thay vì gửi đi nhiều thông tin trong một số ít lần, chúng ta lại gửi đi từng mẩu thông tin một trong nhiều lần. Tốc độ và số lần giao tiếp đã tạo ra một môi trường truyền thông có tính chất khác hẳn (định tính) so với môi trường truyền thông cổ điển.
Điện thoại so sánh với Chat
Khi chưa có Internet, chúng ta có một cách giao tiếp nhanh hơn thư tín là gọi điện thoại. Điện thoại cho phép chúng ta có thể giao tiếp tức thời với các đối tượng cần giao tiếp. Khi Internet phát triển và Chat (instant messaging) ra đời, chúng đã tạo ra sự khác biệt so với email do tính tức thời của mình. Giữa điện thoại và chat có những sự khác biệt rất lớn. Thứ nhất cần phải kể đến là hầu hết chúng ta đều không có khả năng gõ bàn phím tốt như là chúng ta nói chuyện (ít nhất là khi bắt đầu sử dụng máy tính). Do vậy, những cuộc đối thoại qua chat thường không có một chu trình giống như với một cuộc gọi điện thoại bởi khi gọi điện thoại chúng ta tập trung hơn khi chat (làm nhiều việc cùng lúc). Thường khi gọi điện thoại, bạn tập trung hơn rất nhiều và chỉ làm một vài việc một lúc khi gọi điện lúc người ở bên kia đầu dây đang … nhai nhải về một cái gì đó quá chán. Bên cạnh những sự khác biệt này, điểm giống nhau giữa việc gọi điện thoại và chat là khả năng giao tiếp tức thời.
Báo chí so sánh với Blogs
Thư tín và các cuộc điện thoại thường chỉ sử dụng trong tương tác một-một. Báo giấy và radio là các dạng thức truyền thông một-nhiều cổ điển nhất. Các dạng thức này là ví dụ kinh điển cho việc truyền thông đại chúng và các công nghệ push (điểm phát thông tin gốc đẩy thông tin một chiều có tính ép buộc tới một hoặc nhiều điểm). Thập kỷ vừa qua đã chứng kiến sự phát triển của blog và chúng đã đóng vai trò lớn trong việc bổ sung cho các phương thức giao tiếp một chiều cổ điển bởi khả năng cho phép độc giả phản hồi. (Nếu bạn đang đọc blog post này, bạn có thể phản hồi ý kiến của bạn bất cứ lúc nào tới người viết. Bạn có thể làm thế với báo giấy và radio được không? Ngay khi bạn muốn?)
Khả năng cho phép bất cứ ai cũng có thể tham gia, bày tỏ chính kiến và bổ sung vào các thông tin gốc đã tạo ra sự năng động khác biệt hoàn toàn so với truyền thông cổ điển. Xét trên một góc nào đó, blog post cũng giống như bạn gửi email đi cho rất nhiều người với một danh sách CC dài dằng dặc - có điều là bạn làm điều này với một cách thức có tổ chức hơn. Blog - dạng thức truyền thông không tức thời (chat là tức thời) nổi lên như một xu hướng không cưỡng được và cũng làm cho RSS Readers của chúng ta bị quá tải. Khi ở đâu có một nhu cầu, ở đó sẽ có một lời giải. Vì vậy, Twitter xuất hiện để giải đáp cho sự quá tải đó.
Electrodes vs. Twitter
Twitter la một dạng thức truyền thông mới và được coi là một bước phát triển tự nhiên của blog. Thông thường, blog thường là các bài viết dài (ví dụ như bài này), do vậy chúng ta có thể chia chúng thành các đoạn nhỏ hơn (hãy nhớ lại thư tín và email). Twitter xuất hiện để giải quyết bài toán chia nhỏ và bằng cách đó bắt đầu óc chúng ta phải tập chia nhỏ suy nghĩ và hành động thành các mẩu thông tin cô đọng. Bù lại, các mẩu thông tin này có thể được truyền tải nhanh hơn, được xử lý nhanh hơn và xuất hiện nhiều hơn. Một lần nữa, sự tác động lẫn nhau giữa tốc độ và số lượng lại tạo ra một sự trải nghiệm khác biệt. Người sử dụng Twitter có thể chia sẻ và giao tiếp gần như tức thời với nhau. Họ đọc, thụ hưởng các tin tức mới, theo sát xem người khác đang làm gì và đưa ra quan điểm của mình. Twitter dường như đã đẩy chúng ta tới tận cùng của truyền thông. Nếu có một phương thức nào khác nhanh hơn và nhiều hơn Twitter, có lẽ chỉ có thể là linh cảm.
Quay trở lại với sơ đồ của chúng ta, cả 4 ô đã được điền tên. Twitter mang đến cho chúng ta khả năng truyền thông đại chúng nhưng lại có phản hồi nhanh (và gần như tức thời). Mỗi một dạng thức truyền thông nói trên đều có vẻ được phát triển dựa trên các dạng thức truyền thông cổ điển. Vậy chúng ta đã đến tận cùng rồi sao? Còn gì để phát triển hay không?
Sơ đồ 2D ở trên đã thiếu mất một trục thứ 3, trục thể hiện khả năng tiếp cận. Với sự bùng nổ của các thiết bị di động, bài toán truyền thông đã lại thay đổi thêm một lần nữa. Máy tính không giúp cho chúng ta có thể giao tiếp và tương tác khắp mọi nơi (ai mà suốt ngày mang một chiếc máy to uỵch đi theo người được) nhưng điện thoại di động thì lại có thể làm được điều đó.
Các phương thức truyền thông hiện đại đang xuất hiện và thay thế các phương thức cũ. Thế nhưng với Twitter chúng ta dường như đã đi đến tận cùng của vấn đề và khó có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tuy vậy, thế giới luôn phát triển và chúng ta không thể lường trước được bất cứ điều gì. Justin.tv là một ví dụ. Trong show này, một anh chàng làm tất cả mọi việc với một chiếc camera gắn trên đầu và ghi lại, phát trực tiếp mọi thứ mà camera đó thấy cho mọi người xem. Liệu phương thức kỳ dị này có phải là tương lai của chúng ta hay không? Chẳng ai biết trước được! Những gì đã và đang xảy ra với Second Life, những cuộc hội họp ảo, những lớp học ảo với tri thức thật cũng đang làm chúng ta bối rối và tự hỏi mình đó có phải là tương lai hay không.
Không chỉ trải nghiệm, chính chúng ta là những người tạo nên sự phát triển và tiến hóa của truyền thông (bởi truyền thông sinh ra để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp của chúng ta). Những phương thức mới ngày càng phủ định nhanh chóng những phương thức cũ và đôi lúc chúng làm chúng ta - con người - không kịp dừng lại để nhìn xem điều gì đang xảy ra. Một lần nữa, khi tương lai của email là dấu chấm hỏi, chúng ta cũng cần đặt câu hỏi về phương thức giao tiếp tiếp theo của mình là gì. Còn bạn, bạn có ý kiến và dự đoán gì không?