Micronews

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Micronet bảo vệ tên miền cho người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam

Ngày 22/7/2011, Tập đoàn Kinh tế Internet Micronet đã chính thức khởi động Chương trình Bảo vệ Tên miền Việt Nam. Thông qua Chương trình, Micronet mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về vai trò của tên miền trong nền kinh tế số.
Nằm trong định hướng tuyên truyền và Bảo vệ Thương hiệu Quốc gia trên môi trường mạng internet toàn cầu, thời gian qua, Micronet đã đưa vào danh sách bảo vệ 75 tên miền của các bộ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và đã chuyển giao thành công các 16 tên miền cho các tổ chức, doanh nghiệp như: Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Hiệp hội Ngân hàng, Tập đoàn Bitexco, Hội Nhà văn Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ quân đội…
Ngày 26/7/2011, Micronet đã đăng ký và đưa vào danh sách bảo vệ 4 tên miền của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam gồm: nguyenphutrong.vn, truongtansang.vn, nguyensinhhung.vn và nguyentandung.vn.
Trong thời gian tới, Micronet sẽ nghiên cứu và đưa vào danh sách bảo vệ những tên miền gắn với tên tuổi những cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực để bảo vệ và ứng dụng giải pháp openhome - giải pháp truyền thông, làm thương hiệu cho cá nhân xuất chúng và quy hoạch bản đồ nhân tài Đất Việt.

Bảo vệ tên miền là tăng lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số

Theo số liệu điều tra mới nhất, tại Việt Nam có trên 28,6 triệu người sử dụng internet (tương đương với tỷ lệ 33,04% dân số). Việt Nam đang đứng đầu các quốc gia có số lượng đăng ký tên miền quốc gia (dot.vn) nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á với gần 200.000 tên miền, đạt tốc độ tăng trưởng tên miền 170%/năm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phần lớn mọi tổ chức, DN và cá nhân chưa ý thức được ý nghĩa của tên miền và thương hiệu số.
Căn cứ vào số liệu điều tra về thực trạng tên miền tại Việt Nam do Tập đoàn Micronet thực hiện, có tới 31/35 hiệp hội chưa đăng ký tên miền .com.vn (68%), 29/35 hiệp hội chưa đăng ký tên miền .vn (62%). Trong số 68 nhân vật hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, xã hội, chính trị, nghệ thuật… được điều tra, có 62 tên miền .vn chưa được đăng ký (91%), 63 tên miền .com.vn chưa được đăng ký (92,6%), 37 tên miền .com chưa được đăng ký (54%). Cùng với đó, trong số 50 chương trình thường niên, chương trình truyền hình, chương trình quốc gia và phi chính phủ có 31 (62%) chương trình chưa đăng ký tên miền .com.vn, 23 chương trình chưa đăng ký tên miền .vn và 7 chương trình chưa đăng ký tên miền .com.
Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, cuộc điều tra 52 ngân hàng nhà nước, ngân hàng ngoài quốc doanh và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy, trong số các tên miền đã đăng ký, có tới 20 tên miền thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức khác (chiếm tới 40,81%). Bà Trần Tố Loan, GĐ Đối ngoại của Tập đoàn Kinh tế Internet Micronet cho biết: “Tên miền hoạt động dựa trên nguyên tắc duy nhất trên phạm vi toàn cầu, ở Việt Nam, sau thời gian cấp phát ưu tiên, VNNIC cấp phát tự do theo quy định: Ai đăng ký trước được cấp phát trước. Trong khi các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tên miền trong nền kinh tế mạng thì các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã nhanh tay đăng ký trước, đến khi doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh hay quảng bá thương hiệu trên internet đi đăng ký thì mới biết tên miền đã bị đăng ký từ trước đó. Không chỉ chậm chân trong việc đăng ký mà nhiều DN không thực hiện chính sách đăng ký bao vây tên miền, có trường hợp đăng ký rồi lại quản lý lỏng lẻo dẫn tới bị mất tên miền. Đây chính là những nguyên nhân, những “khe hở” để những người sớm ý thức được vai trò của tên miền đăng ký  các tên miền quan trọng của tổ chức, DN và cá nhân nổi bật nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi.
Bà Lê Thúy Hạnh phát biểu tại Buổi gặp mặt Giới thiệu Chương trình Bảo vệ Tên miền Việt Nam
Đưa ra dẫn chứng một số tên miền quốc gia quan trọng của Việt Nam đang được một chủ thể ở nước ngoài rao bán với giá hàng trăm ngàn USD; hoặc như Samsung mobile phải chật vật mới “đòi” lại tên miền, bà Lê Thúy Hạnh, Phó TGĐ Tập đoàn Micronet khẳng định, có tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” ở lĩnh vực tên miền. Bà Hạnh cũng lưu ý, thời điểm tháng 8/2006 rất nhiều tên miền quan trọng của VN đã bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua trước, đặc biệt là các nhà đầu tư tại Mỹ, Hàn Quốc. Nói về tầm quan trọng của tên miền, bà Hạnh trích lời  một giáo sư của Đại học Harvard: “Ranh giới số hiện nay chính là trung tâm của vũ trụ, nếu không có tên miền sẽ rất khó khăn trong phát triển kinh tế internet”. Việc đánh mất tên miền trở thành một nguy cơ rất “khủng khiếp” đối với DN, nhất là khi tên miền đó được trỏ về website có những thông tin  sai lệch, méo mó thất thiệt gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của DN.
Bà Lê Thúy Hạnh khẳng định, để làm chủ được của nền kinh tế internet phải giữ được tên miền. Cũng từ nhận thức này mà ngay từ năm 2005 đến nay, Micronet đã đăng ký và sở hữu gần 2.000 tên miền đẹp để phát triển 31 hệ thống mạng bao phủ mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặc dù chỉ chiếm 1% số tên miền đăng ký tại Việt Nam nhưng những tên miền này đang chiếm tới 20% về giá trị.  Cũng trong quá trình nghiên cứu về tên miền để quy hoạch hệ thống mạng của mình, Micronet thấy có nhiều tên miền quan trọng bị bỏ ngỏ nên đã đưa vào danh sách bảo vệ. Micronet không chỉ đăng ký, mà còn nộp phí duy trì những tên miền này trong nhiều năm và “chờ đợi” đến khi tổ chức, DN nhận thức rõ được tầm quan trọng của tên miền thì Micronet sẽ chuyển giao và chỉ nhận lại khoản phí đúng bằng số tiền đăng ký tên miền và phí duy trì mà Micronet đã bỏ ra trước đó. Ngoài ra, Micronet còn tặng lại các tên miền mình bảo vệ cho các tổ chức phi lợi nhuận như với WWF.
Khâm phục hành động “dũng cảm” tự bỏ ngân sách hơn 200 triệu đồng để tài trợ cho hoạt động của Chương trình Bảo vệ tên miền Việt Nam trong thời điểm hiện nay của Micronet, ông Nguyễn Dương Huy Vũ, GĐ Công ty Fibo đánh giá, trong khi nhiều DN khác chỉ truyền thông và bán tên miền thì Micronet lại phát hiện những tên miền chưa đăng ký thì làm thủ tục đăng ký và truyền thông để DN đó nhận lại. Ông Vũ cũng chia sẻ, độ dũng cảm của Fibo chỉ bằng 1/10 so với Micronet mặc dù tình hình kinh doanh của sàn giao dịch tên miền thương hiệu của Fibo cũng thua lỗ triền miên trong 2 năm qua. Với việc tự nghiên cứu viết phần mềm giải thuật để có thể sàng lọc và xác định rõ tên miền đã được đăng ký có thuộc về chủ nhân đích thực của nó hay không, đến nay Fibo gần như là DN duy nhất tại Việt Nam đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc thương lượng và giao dịch tên miền. Ông Vũ cho biết, chi phí để duy trì bộ máy hoạt động của sàn giao dịch này khá lớn và tần suất giao dịch tên miền tại sàn trung bình khoảng 10 giao dịch/tháng. Mặc dù tỷ lệ thành công rất cao, khoảng 90%, nhưng mỗi tháng Fibo đều bị lỗ khoảng 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình (áo kẻ) chuyển giao tên miền cho đại diện Tập đoàn Bitexco
Ý thức rõ ràng việc bảo vệ tên miền Việt Nam là bảo vệ lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, từ tháng 6/2011, Micronet đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình Bảo vệ tên miền Việt Nam với sự hỗ trợ của các đối tác lớn như FPT, Fibo… Ông Nguyễn Thanh Bình, TGĐ của Micronet cho biết. Đây là chương trình xã hội hóa kinh doanh, nằm trong định hướng tuyên truyền và bảo vệ thương hiệu quốc gia trên môi trường mạng internet toàn cầu. Chương trình đã cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin  về tên miền và đưa ra các giải pháp nhằm củng cố và gia tăng lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế Mạng internet toàn cầu. Trên cơ sở những nghiên cứu phân tích, đánh giá khoa học, Chương trình muốn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của tên miền nói riêng và kinh doanh trên mạng internet nói chung. Thông qua chương trình, tạo ra một cộng đồng những người quan tâm đến tên miền và việc phát triển thương hiệu trực tuyến để cùng nhau bảo vệ những tên miền quốc gia quan trọng.
Tính đến ngày 22/7/2011, Micronet đang bảo vệ cho 75 tên miền cho các bộ,  hiệp hội, các tập đoàn kinh tế, tổ chức, chương trình, dự án…quan trọng. Đồng thời đã chuyển giao 23 tên miền cho tổ chức, ngân hàng, DN lớn tại Việt Nam.

Hồng Thoan
(Theo Thời báo Kinh tế)

Làm thế nào để bảo vệ tên miền Việt Nam?

Đó là nội dung chương trình Diễn đàn Khoa học Công nghệ thông tin của Đài Truyền hình Hà Nội dự kiến phát sóng lần 1 vào 10h30, ngày 23/7/2011 và phát lại vào 8h, ngày 26/7/2011 trên HTV. Trong chương trình, bà Lê Thúy Hạnh - Phó TGĐ Tập đoàn Micronet, với tư cách là diễn giả, đã chia sẻ những phương án, giải pháp nhằm bảo vệ tên miền Việt Nam. Cùng tham gia chương trình này, có diễn giả Chu Thu Huyền – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khách hàng, Công ty Cổ phần Ứng dụng Công nghệ toàn cầu GLTEC.
          Diễn giả Lê Thúy Hạnh đang phát biểu trong chương trình
MC: Xin kính chào quí khán giả, tên miền được xem là thương hiệu của website, là một dạng tài nguyên số quan trọng bậc nhất trên mạng Internet. Ở Việt Nam,  tên miền dotVN được coi là tài nguyên quốc gia và cần được phát triển mạnh, bền vững để không những nâng cao giá trị hình ảnh Internet Việt Nam với thế giới bên ngoài mà còn thúc đẩy trình độ ứng dụng và các giao dịch của cộng đồng người dân Việt Nam, các tổ chức, doanh nghiệp trên Internet. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn không ít tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của tên miền .VN nên đã xảy ra không ít những  thất thoát tên miền hay những vụ tranh chấp đáng tiếc. Như vậy là với sự thiếu hiểu biết đầy đủ về thương hiệu số trên môi trường Internet mà nhiều doanh nghiệp hay tổ chức đã không quan tâm đầy đủ đến tên miền dotVN. Điều này đương nhiên dẫn đến việc, những kẻ nhanh nhạy đã đi trước một bước khi đăng ký tên miền mang thương hiệu của tổ chức hay doanh nghiệp đó. Thưa chị Lê Thúy Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Micronet, qua việc nghiên cứu số liệu cụ thể các trường hợp tranh chấp tên miền dotVN cũng như điều tra về việc sở hữu tên miền dotVN, Micronet đã có được những kết quả cụ thể như thế nào?
Lê Thúy Hạnh: Việt Nam đang đứng đầu các quốc gia có số lượng đăng ký tên miền quốc gia nhiều nhất tại khu vực Đông nam Á với gần 200000 tên miền. Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng tên miền là 170% mỗi năm. Điều này chứng tỏ Việt Nam ngày càng ý thức được vai trò quan trọng của tên miền trong nền kinh tế số. Cũng chính vì thế, các doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đã chủ động đăng ký tên miền, thiết kế website và đưa doanh nghiệp của mình tiến ra thị trường toàn cầu. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân cũng đang dần dần thiết lập cho mình các cổng thông tin để giới thiệu và phát triển hình ảnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phần lớn mọi người chưa ý thức được ý nghĩa của tên miền và thương hiệu số. Chính vì thế, họ thờ ơ hoặc không chú trọng đến vấn đề này. Đây là lý do để những người sớm ý thức được vai trò của tên miền đăng ký các tên miền quan trọng của ngành, của doanh nghiệp và cá nhân nổi bật. Từ đó, diễn ra các cuộc tranh chấp.  Thường thì các chủ thể khi đi đăng ký tên miền chỉ đăng ký một tên miền. Vì họ nghĩ như vậy là đủ. Họ để ngỏ các tên miền còn lại. Ví dụ Vietcombank, chỉ đăng ký Vietcombank.com.vn và không đăng ký vietcombank.vn/.net.vn. Trong khi chỉ cần chi phí thêm vài ba triệu để bao vây tên miền thì Ngân hàng này đã để các tên miền đó cho những người khác đăng ký. Nhà xây tường rào 1 phía còn 03 phía còn lại thì để trống. Đó là cơ hội cho “kẻ trộm” nhảy vào. Nóng nhất là thời điểm cấp tên miền cấp 2 dotVN. Trung tâm Internet Việt nam đã dành 8 tháng để kêu gọi và ưu tiên đăng ký cho các doanh nghiệp, thương hiệu, tổ chức có bản quyền và nhãn hiệu. Nhưng trong thời gian đó, rất ít thương hiệu và tổ chức quan tâm. Từ 16/6/2008, đến giai đoạn cấp phát tự do cho ai đến trước cấp trước. Chỉ trong 03 ngày đã có hơn 4000 tên miền đăng ký, trrong đó, phần lớn đã thuộc về các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài. 90% tên miền ngân hàng đã bị mất, một số tên miền của các tổ chức, đơn vị báo chí khác cũng vậy. Các vụ tranh chấp tên miền thường đi vào bế tắc. Bởi tên miền không phải là thương hiệu, và không được Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ. Bởi thương hiệu giống nhau rất nhiều và ở các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Còn tên miền là duy nhất. Chính vì thế, tình trạng tranh chấp tên miền diễn ra rất nóng bỏng nhưng chưa có lời giải.
MC: Với những kết quả khảo sát của Micronet, nhiều tên miền quan trọng dotVN của Việt Nam đã rơi vào tay các tổ chức hay cá nhân từ nước ngoài. Đây phải chăng là một tiềm ẩn đầy rủi ro  đối với thương hiệu số của các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam trong hiện tại cũng như trong tương lai, thưa chị Lê Thúy Hạnh?
Lê Thúy Hạnh: Đúng là như vậy. Ta thử hình dung các tập đoàn lớn, các thương hiệu lớn sẽ ra sao nếu để mất tên miền quốc gia của mình? Họ sẽ không có những tên miền cao cấp và chỉ đích danh. Ví dụ như Petrolimex không có Petrolimex.vn/com.vn mà dùng Pertrolimexvn.com thì hình ảnh thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Tên miền đó có thể gây nhầm lẫn, không chuyên nghiệp và không mang tính đại diện cho quốc gia. Đặc biệt, nếu tên miền đó không thuộc chủ thể các thương hiệu mà các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thì điều gì sẽ xảy ra?. Chắc chắn sẽ có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, đưa nội dung xấu làm mất uy tín. Hoặc là lý do để các thương hiệu dần dần mất đi khách hàng của mình do tình trạng nhầm lẫn.
Các doanh nghiệp nước ngoài rất chú trọng tới việc phát triển thị trường quốc tế. Những Tập đoàn như HP, Google, Microsoft, Coca-cola…đều mua tên miền tại tất cả các quốc gia. Không chỉ mua một tên mà mua bao vây tất cả các tên miền, từ .com.vn/.vn/net/.org…Chứng tỏ họ là những người nhìn ra trông rộng và chủ động trong hội nhập phát triển kinh tế trên môi trường Internet.
Những tên miền của các Tập đoàn, thương hiệu hoặc các tổ chức lớn của Việt Nam nếu rơi vào tay nước ngoài hoặc cá nhân thiếu hiểu biết sẽ không chỉ ảnh hưởng đến họ đó mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hình ảnh quốc gia. Đặc biệt là khi phần lớn các Tập đoàn, thương hiệu để mất tên miền của mình.
Rủi ro cận kề nhất là khi các doanh nghiệp, Tập đoàn, tổ chức, cá nhân khi nhận ra vai trò của tên miền và muốn mua lại thì họ sẽ phải chi ra số tiền không nhỏ. Thay vì 1 triệu đồng đăng ký họ có thể phải bỏ ra hàng chục ngàn usd để mua lại. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới ngân sách tài chính của doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân.
 
   Diễn giả Lê Thúy Hạnh tại Diễn đàn Khoa học Công nghệ thông tin
MC: Trên thế giới đã có từ rất lâu những vụ đầu cơ tên miền của những thương hiệu nổi tiếng mà lợi nhuận có thể lên tới hàng triệu đô la Mỹ. Ở Việt Nam, cũng đã xảy ra những tranh chấp tên miền mà để mua lại những tên miền do người khác nhanh chân có được, "khổ chủ" cũng đã phải ngậm ngùi trả không ít tiền. Việc đầu cơ tên miền như vậy có thể xem là hiện tượng bình thường không, thưa chị Lê Thúy Hạnh?
Lê Thúy Hạnh: Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu khái niệm về đầu cơ. Hoạt động đầu cơ chỉ là tạo ra sự khan hiếm hàng trong một thời gian rồi đưa ra bán, nó chỉ phù hợp với loại sản phẩm có giới hạn về số lượng. Tên miền không giới hạn về số lượng, vì có thể thiết lập ra hàng triệu đến hàng tỷ tên miền từ 29 chữ cái và 10 chữ số. Cho nên, không ai có thể mua hết tên miền và tạo ra khan hiếm được.
Do nhận thức tầm quan trọng của tên miền được nâng cao, nên càng ngày càng có nhiều tên miền được đăng ký. Cho nên chắc chắn sẽ có nhiều người đầu tư. Tương tự như những nhà đầu tư tên miền trên thế giới. Tên miền phát triển sẽ tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển, ngành quảng cáo trực tuyến phát triển.
Nên thúc đẩy thị trường tên miền. Thương mại điện tử chỉ phát triển khi tên miền được phát triển. Giống như bất động sản chỉ phát triển khi bất động sản có thị trường. Nếu không, các doanh nghiệp phát triển tên miền thành website sẽ không thể chuyển nhượng được. Nó làm cho các doanh nghiệp hạn chế phát triển website, thu hẹp đầu tư. Thị trường tên miền phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của toàn bộ ngành CNTT và truyền thông số tại Việt Nam. Như trên thế giới hiện nay, ngành công nghiệp tên miền phát triển khuyến khích mọi người ứng dụng Internet trong việc truyền thông, quảng bá công việc kinh doanh của mình. Giá tên miền sẽ càng ngày càng rẻ, sẽ khuyến khích mọi người ứng dụng nhiều hơn. Từ đó, nền kinh tế Internet sẽ có điều kiện phát triển bền vững.
MC: Thưa chị Lê Thúy Hạnh, tại sao Micronet quyết định triển khai một chương trình mang đầy tính cộng động, đó là bảo vệ những tên miền quan trọng của Việt Nam không bị thất thoát trên môi trường Internet?
Lê Thúy Hạnh: Tập đoàn Micronet đang hướng đến xây dựng nền kinh tế Internet. Micronet nhận thức được vai trò quan trọng của website, thương hiệu số và tên miền. Micronet đã dành nhiều nguồn lực để sở hữu các tên miền nhằm kiến tạo nên một mô hình kinh tế mới. Nền kinh tế dựa trên Internet.
Khi nhận thức được tầm trọng của website, cánh cổng để hội nhập với thế giới, Micronet đồng thời nhận thức rất rõ vai trò then chốt của tên miền. Tên miền chính là thương hiệu trong thời đại số. Một tên miền đẹp và đúng sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc hình thành thương hiệu trên mạng internet. Tên miền chính danh, chuyên nghiệp, đúng lĩnh vực là vô cùng cần thiết cho mỗi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Do đó, Micronet đã đăng ký cho mình và đồng thời đăng ký bảo vệ cho các tập đoàn, thương hiệu, các tổ chức, cá nhân, địa phương, chương trình, dự án quan trọng tại Việt nam. Micronet đã đăng ký hơn 100 tên miền quan trọng để không rơi vào các tổ chức, cá nhân nước ngoài như Vietcombank.vn, Agribank.vn, Petrolimex.vn…Khi các tổ chức, doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của tên miền chúng tôi sẽ bàn giao và chuyển lại. Hiện tại chúng tôi đã bàn giao chuyển lại khá nhiều tên miền cho các doanh nghiệp như bitexcoland.vn, jaguar.vn, vannghequandoi.vn…Hiện chúng tôi đang bảo vệ cho rất nhiều ngân hàng, các bộ ngành, các dự án, các chương trình…
MC: Nói một cách dễ hiểu, bên cạnh việc tuyên truyền về ý thức bảo vệ tên miền thì hành động thiết thực nhất của chương trình Bảo vệ tên miền chính là việc chương trình sẽ đứng ra đăng ký tên miền cho những tổ chức, doanh nghiệp nào còn chưa quan tâm đến chính thương hiệu của mình, rồi một dịp thích hợp nào đó sẽ bàn giao lại tên miền cho tổ chức, doanh nghiệp đó, thưa chị Lê Thúy Hạnh?
Lê Thúy Hạnh: Chúng tôi bảo vệ cho nhiều đối tượng gồm doanh nghiệ, tổ chức, cá nhân, địa phương, chương trình, dự án… Chúng tôi còn bảo vệ các tên miền của các hòn đảo như quandaotruongsa.vn, quandaohoangsa.vn…Chúng tôi bảo vệ những địa danh trên mạng Internet. Bởi theo chúng tôi, đó chính là tài nguyên và lãnh thổ quốc gia. Đó là biên giới số. Chúng tôi lo ngại một ngày chúng ta không còn các tên miền đó, rơi vào các đối tượng xấu, họ sẽ những thông tin sai lệch, có lợi cho họ. Môi trường Internet là một môi trường mở. Những thông tin như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa, chính trị, kinh tế và cả an ninh quốc gia.
MC: Nằm trong định hướng phát triển thương hiệu Quốc gia trên mạng Internet toàn cầu, Chương trình Bảo vệ Tên miền sẽ có những dự định gì trong tương lai để việc nâng cao ý thức bảo vệ tên miền dotVN được hiệu quả hơn trong thời gian tới, thưa chị Lê Thúy Hạnh?
Lê Thúy Hạnh: Chúng tôi nhận thức rằng biên giới số chính là ranh giới của thế giới hiện nay. Chúng tôi sẽ cố gắng để càng ngày càng bảo vệ được nhiều tên miền dotVN hơn nữa. Trên thực tế, còn rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lớn chưa ý thức được giá trị của tên miền nên cần được cảnh báo và bảo vệ. Chúng tôi sẽ bảo vệ cho họ để khi họ nhận thức được, có thể nhận lại tên miền của mình. Tuy nhiên, một mình chúng tôi không thể làm được. Bởi phần lớn hiện nay các tên miền thương hiệu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lớn vẫn còn. Chúng tôi chỉ có thể bảo vệ được rất ít. Chúng tôi sẽ tổ chức nhiều sự kiện để chia sẻ ý nghĩa và tầm quan trọng của tên miền. Chúng tôi sẽ hướng đến đào tạo, tư vấn nhiều hơn. Đặc biệt, chúng tôi hướng đến lập một quỹ Bảo vệ Tên để mua lại nhiều tên miền quốc gia quan trọng đang bị chủ thể nước ngoài sở hữu và rao bán trên thị trường. Chúng tôi tin rằng, với cách làm này, sẽ giúp cho việc đảm bảo an ninh mạng và an ninh thông tin trong tương lai. Các tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…sẽ được bảo vệ khi họ chưa nhận thức kịp thời và đúng đắn.
MC: Cảm ơn những chia sẻ quý báu của diễn giả Lê Thúy Hạnh! Chúc chị sẽ thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình.