Micronews

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Kinh doanh tên miền: Nghề 1 vốn… 4000 lời?

Tên miền “Gambling.com” được mua lại với giá ngất ngưởng 20 triệu USD. Nếu căn cứ vào những con số “khủng” như vậy, lĩnh vực kinh doanh tên miền sẽ chưa dừng lại ở nghề 1 vốn… 4000 lời.
Chân dung Lê Thúy Hạnh - CEO Digimarketing JSC
Tên miền trong thế giới phẳng

Tính đến tháng 4/2012, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu các nước có số lượng đăng ký tên miền quốc gia (.com.vn/.vn) nhiều nhất tại khu vực với 291.384 tên miền, đạt tốc độ tăng trưởng 100%. 

Chị Lê Thúy Hạnh, CEO Digimarketing JSC, người được mênh danh là nữ hoàng tên miền Việt Nam, cho biết: “Có được những tên miền mong muốn cũng đồng nghĩa với việc làm chủ cho những sản phẩm trong tương lai. Nó vô cùng thuận lợi cho những người nắm giữ được tên miền”.

Tiềm ẩn những giá trị cực lớn, song không phải tổ chức, DN, cá nhân nào cũng ý thức được ý nghĩa của tên miền và thương hiệu số. Sau khi thành lập được 1 năm, Mark Zuckerberg, CEO Facebook đã quyết định đổi tên mạng xã hội của mình từ TheFacebook (tên ban đầu) thành Facebook. Với tài nhìn xa trông rộng, Zuckerberg quyết định bỏ ra số tiền 200.000 USD để mua tên miền Facebook.com. Đây là một hành động sáng suốt, bởi nếu sử dụng tên miền kém “đắt” như TheFacebook.com, có thể công ty chưa có được thành công như bây giờ.

Ngay ở Việt Nam, công ty An ninh mạng Bkav cũng đã bỏ ra 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com. Ông Nguyễn Tử Quảng, TGĐ Công ty An Ninh Mạng Bkav cũng thừa nhận, cách đây hơn chục năm, do không nghĩ đến việc có thể đưa công ty ra toàn cầu nên Ban lãnh đạo đã không mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước Bkav.com.vn. 


Trung Nguyên chi hàng trăm tỷ đồng để quảng cáo thương hiệu cà phê chồn, nhưng lại không dành một số tiền nhỏ để bao vây những tên miền có liên quan.

Mới đây nhất, dư luận xôn xao trước thông tin Trung Nguyên mất tên miền thương hiệu “cà phê Chồn”. Thực tế, tên miền tiếng Anh của cà phê Chồn vốn là sản phẩm của cà phê Trung Nguyên đã bị cá nhân khác đăng ký và nhúng nội dung quảng bá cho thương hiệu cà phê sắp vào Việt Nam là Starbucks. Trước đó, Trung Nguyên cũng nổi tiếng với “lịch sử” bị mất tên miền thương hiệu ở nhiều quốc gia. 

Nếu giả định tên miền cà phê Trung Nguyên mang tên trungnguyen.vn nhằm thể hiện đẳng cấp và vị thế của Việt Nam, thì tên miền trungnguyen.com giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu ra thế giới. 

Được biết, Trung Nguyên chi hàng tỷ đồng để quảng cáo thương hiệu cà phê chồn, nhưng lại không dành một số tiền nhỏ để bao vây những tên miền có liên quan. Cuối cùng, có người đã mua nó và thông báo nếu Trung Nguyên cần có thể nhượng lại (theo luật quốc tế tên miền dot-com có thể mua-bán). Tuy nhiên, người phát ngôn của Trung Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã có tên miền legendee.com, không cần mua thêm những tên miền khác như legendeecoffee.com. Chúng tôi đã xây căn nhà của mình thì phải lo sao cho nó được vững chãi, đẹp đẽ chứ không thể mua cả dãy phố xung quanh chỉ để đảm bảo căn nhà của mình”. 

Về vấn đề này, chị Hạnh cho rằng đây là suy nghĩ vô cùng sai lầm. Bởi lẽ, nếu là tên miền dot-vn, hành động nhúng nội dung quảng cáo sản phẩm Trung Nguyên cho Starbucks của người sở hữu tên miền này là trái pháp luật và họ sẽ mất luôn tên miền đó. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế lại không quy định chặt chẽ như vậy.
 
Trong trường hợp này, Trung Nguyên có thể vấp phải một rào cản lớn nếu muốn xuất khẩu cà phê chồn sang Mỹ. Để giải bài toán này, Trung Nguyên có thể phải bỏ thương hiệu Legendee Coffee và đặt cho dòng sản phẩm này một cái tên khác. Hoặc Trung Nguyên phải tiếp xúc với người sở hữu thương hiệu Legendee Coffee tại Mỹ để đàm phán mua lại tên miền. Và khả năng Trung Nguyên sẽ phải trả một mức phí không hề nhỏ.

Nghề 1 vốn… 4000 lời?

“Mỗi lần ngã là một lần bớt dại”. Qua nhiều mất mát từ những đại gia lớn, các doanh nghiệp có tầm nhìn toàn cầu chắc chắn không bỏ qua vấn đề tên miền. Còn trong giới kinh doanh tên miền, trào lưu toàn cầu hóa hứa hẹn mang về những món tiền không nhỏ từ những tên miền “.com”. (Tên miền “.vn” ở Việt Nam được xét vào tài sản quốc gia và không được mua bán, chuyển nhượng).

Mới đây, trang web Celebrity Net Worth vừa công bố 7 tên miền có giá “khủng” nhất trong lịch sử, với mức giá chuyển nhượng lên tới hàng triệu đôla. Theo đó, “Business.com”, tên miền có giá trị thấp nhất trong nhóm này được bán với giá 7,5 triệu USD. Còn tên miền có nội dung cờ bạc “Gambling.com” đã được một đại gia mua lại với chi phí cao nhất là 20 triệu USD. 


"Vua tên miền" Kevin Ham

Trong giới kinh doanh tên miền không ai không biết đến nhân vật có vai vế nhất trong lĩnh vực này phải kể đến Kevin Ham, người gốc Hàn Quốc hiện sống tại Vancouver (Canada). Lúc khởi nghiệp, mỗi ngày Ham đã mua 30 đến 100 tên miền. Bỏ ngoài tai sự dè bỉu của mọi người bởi anh bỏ ra số tiền quá lớn, trong khi phải cóp nhặt từng đồng để quảng cáo cho số tên miền đó, Ham tin tưởng việc sở hữu tên miền cũng đồng nghĩa với việc anh đang kiểm soát một phần mạng internet. 

Là trưởng khoa nội của một bệnh viện, nhưng ngay khi tìm được ý nghĩa và giá trị của tên miền, Ham bỏ cả nghề bác sỹ. Và anh đã kiếm được 300 triệu USD từ những cuộc đầu tư này. 

Không chỉ có Ham, Scott Day, một nông dân trồng dưa hấu ở Oklahoma (Mỹ) cũng kiếm bộn tiền từ đầu tư “đất” trên mạng và sở hữu một trong những tên miền đáng ngưỡng mộ nhất thế giới trong đó có Watermelons.com.

Không phải ngẫu nhiên chị Lê Thúy Hạnh khẳng định kinh doanh tên miền vẫn là nghề siêu lợi nhuận. Bởi theo chị, mọi người chỉ cần bỏ ra ít nhất 400-830 nghìn đồng để mua một tên miền, nhưng nếu sở hữu tên miền có giá trị, ngay tức khắc người mua có thể bán lại ít nhất gấp 5 lần số tiền bỏ ra ban đầu, thậm chí có những tên miền lên đến 2-3 tỷ đồng (khoảng hơn 100.000 USD).

Nếu căn cứ vào những con số “khủng” các ông trùm kiếm về, kinh doanh tên miền chưa dừng lại ở nghề 1 vốn… 4000 lời.

Tất nhiên, người kinh doanh tên miền cần hiểu được những quy tắc trong kinh doanh tên miền. Bởi có không ít người cho rằng lĩnh vực tên miền là một mỏ vàng và ra sức làm thử. Có những người hoạt động cả 2-3 năm vẫn chưa thu hồi vốn, chị Hạnh nói thêm.

Tên miền đẹp như nhà mặt tiền phố lớn

Tên miền đẹp, phù hợp có giá trị như một ngôi nhà mặt tiền trên tuyến phố lớn. Những tên miền này góp phần định vị thương hiệu cho doanh nghiệp. có giá trị lớn đối với người sở hữu nó.

Bên cạnh những tên miền đắt giá ở nước ngoài, ở Việt Nam cũng đã có những tên miền tương tự với khả năng tìm kiếm cao, có thể làm thương mại điện tử tốt và phát triển ý tưởng dễ dàng.

“Tên miền có thời kỳ tạo nên cơn sốt khi nhiều người chen chúc đăng ký. Nhiều người đưa hẳn một ca-táp tiền đựng hàng trăm triệu đồng để đăng ký tên miền”, chị Hạnh nhớ lại. Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tên miền, chị Hạnh cho biết người đầu tư phải tìm được những tên miền đẹp. Với DN, tên miền đẹp giúp tiết kiệm chi phí bởi ở những thương hiệu lớn, sự thay đổi vô cùng tốn kém. Hơn nữa, thay đổi cũng đồng nghĩa với việc DN bị mất uy tín, khách hàng đội nón ra đi,…


“Để có được những tên miền thực sự đẹp, mình cũng phải có duyên và dành nhiều tâm huyết với nó”.

Theo chị Lê Thúy Hạnh, một tên miền đẹp phải thỏa mãn các tiêu chí: dễ làm thương hiệu (thậm chí tên miền đẹp cũng chính là thương hiệu); dễ tìm kiếm; dễ nhớ; dễ quảng bá (nhằm cắt giảm chi phí quảng cáo); dễ mua bán (nếu một ngày doanh nghiệp không dùng có thể bán tên miền với giá cao). 

Chị Hạnh cũng đưa ra một số lưu ý để chọn tên miền đẹp như ngắn gọn, khó viết sai và phải liên quan đến lĩnh vực hoạt động của mình. Đặc biệt, tên miền phải được xây dựng dựa trên khách hàng mục tiêu.

Chị cũng khuyên mọi người không nên đăng ký tên miền liên quan đến những thương hiệu nổi tiếng vì nếu tên miền trùng với thương hiệu của người nước ngoài, tính tự trọng của họ rất cao. “Họ sẵn sàng dùng một tên miền không đủ đẹp, chứ không chi cho những hoạt động được cho là phi lý. Họ cho rằng mình bị áp đặt, chơi xấu hoặc làm khó nên sẽ không dùng. Đây cũng là rủi ro đối với những người tư duy đầu cơ tên miền lớn sẽ… ăn đủ. Tất nhiên, nếu đủ trí tuệ và có kỹ năng tốt trong đàm phán, việc thuyết phục khách hàng mua tên miền, người đầu tư cũng không loại trừ khả năng thành công”.

Chị Hạnh chia sẻ: “Để có được những tên miền thực sự đẹp, mình cũng phải có duyên và dành nhiều tâm huyết”. Thời gian đầu khởi nghiệp, không có tiền, chị Hạnh luôn mang theo giấy bút bên người để ghi chép những ý tưởng lóe lên trong đầu. Chị liên tục nghĩ về những tên miền mình cho là đặc sắc rồi đến FPT đăng ký tên miền. Chị kể, năm 2006-2007 là thời kỳ vô cùng sôi động. Và tất nhiên, những người đi sau có thể không có được những trải nghiệm thú vị như vậy, nhưng mọi người vẫn còn nhiều cách để có được những tên miền đẹp, giá trị.

Chị tiết lộ: “Ngày nào mình cũng xem thời sự để tìm ra những tên miền phù hợp. Cái gì người ta quan tâm nhiều chính là tài nguyên của mình. Bởi tên miền là sự kết tinh của thời đại thông tin, tri thức mà”.

“Khi lên Google, người ra tìm kiếm những gì nóng hổi, cần thiết cho tương lai, đó là những thứ thực sự giá trị. Thời điểm này, những cụm từ như “người mẫu”, “người đẹp”,… rất có giá và những từ đó mình cũng có tất”, chị Hạnh hóm hỉnh nói.

Nói về những rào cản pháp lý ở Việt Nam (tên miền dot.vn không được mua bán, chuyển nhượng), chị Hạnh kỳ vọng thời kỳ này đang dần qua đi, tương lai nhà nước tiến tới sẽ không cấm kinh doanh mà cho phép tên miền được chuyển nhượng. 

“Một khi tên miền được đánh giá đúng, những người có nhận thức sớm sẽ có cơ hội phát triển”, chị nói thêm.

Tân Hoa
Theo TTVN

Không có nhận xét nào: