Lớp 6: Ám ảnh giấc mơ ngoại giao

Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều là bác sỹ, tuổi thơ của chị Lê Thúy Hạnh (hiện là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiếp thị số - Digital Marketing,.Jsc) trôi qua êm đềm như bao bạn bè cùng trang lứa ở miền đất nắng gió Hà Tĩnh. Tự nhận mình học không giỏi bởi năm nào đi thi, dù là môn văn, toán hay tiếng Anh “cũng đạt giải với số điểm không cao”, nhưng trong quá trình học chị luôn tự chủ về suy nghĩ của mình. 

Hồi lớp 6, khi tình cờ đọc một bài báo về một hoa hậu tài năng tốt nghiệp trường ngoại giao, Hạnh cảm tưởng cô gái này hẳn sẽ được giao lưu với nhiều nền tri thức trên thế giới. Hình ảnh đó khiến cô học trò nhỏ đau đáu suốt nhiều năm trời. Trước thềm kỳ thi đại học, dù biết học lực không giỏi trong lớp, đi thi đã là một sự mạo hiểm nhưng Hạnh vẫn quyết tâm thi vào Học viện Quan hệ Quốc tế (nay là Học viện Ngoại giao), bất chấp sự khuyên ngăn của thầy hiệu trưởng và giáo viên dạy tiếng Anh.

“Khi đặt mục tiêu, mình phăng phăng thực hiện thôi chứ không quan tâm đến ý kiến của người khác”, chị Hạnh chia sẻ. Đến khi nhận được giấy báo đỗ trung cấp ngoại giao, chị vẫn quyết định “khăn gói quả mướp” ra Hà Nội học. Nhập học, chị mới được thông báo bị nhầm điểm và được chuyển lên hệ đại học. Cùng lúc đó, chị cũng nhận được giấy báo đỗ của trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. “Cuộc đời tôi nhiều lần như thế. Từ bé đến lớn luôn gặp trở ngại và điều quan trọng mình phải vượt qua nỗi sợ hãi để đạt được nó”, chị tâm sự.

Năm nhất đại học: Viết tự luận cuộc đời

Ở trường, triết và văn hóa học là hai môn chị rất yêu thích. Bắt đầu từ năm nhất, chị đã viết tự luận (một dạng nhật ký câu hỏi) về cuộc đời. Mỗi buổi sáng bước chân ra đường, đi học, gặp gỡ mọi người, tối về chị đều đặt ra những câu hỏi và tự hóa thân thành hai con người khác nhau để vấn đáp bằng kiến thức triết học và những lý luận sắc bén. 

Ngoài những giờ lên giảng đường và miệt mài trong thư viện, chị cũng tham gia các hoạt động ngoại khóa như khiêu vũ, bóng bàn, gia nhập câu lạc bộ để thường xuyên trau dồi kiến thức và rèn luyện cho mình cốt cách của một người thực hiện sứ mệnh. Ngay từ khi chân ướt chân ráo bước vào đại học, chị đã sống có lý tưởng như thế. 

Sự hồn hiên trong từng cử chỉ và đôi mắt biết nói khiến người tinh ý có thể nhận ra thẳm sâu trong người phụ nữ dung dị và khiêm tốn này là một con người luôn luôn đổi mới, sáng tạo, thích học hỏi những điều mới mẻ và khám phá thế giới nội tâm người khác. Thích đến những vùng đất mới nhưng chị có một nguyên tắc là đã đi đến nơi sẽ không trở lại vùng đất ấy nữa. Bởi thế giới rộng lớn, nếu đi lại chị sẽ không còn thời gian để đến những vùng đất khác. Hơn nữa, chị thích để cảm xúc còn nguyên vẹn như dấu ấn ban đầu.

Có lẽ sở thích ưa khám phá từ nhỏ đã phần nào hun đúc nên giấc mơ làm ngoại giao trong chị. Chọn ngoại giao, chị muốn đưa những gì tinh túy nhất từ hình ảnh con người, thiên nhiên Việt Nam,… đến với cộng đồng nước ngoài. “Thương hiệu hay hình ảnh của một quốc gia được nâng lên sẽ là một thứ tài sản mềm lớn giúp không chỉ các doanh nghiệp, mà từng con người tự hào về đất nước mình sinh sống”, chị chia sẻ.
 
“Mọi người nói tôi là nữ hoàng tên miền”

Khi giấc mơ đó ám ảnh, chị đến với internet vì nghĩ rằng không có một phương tiện, cách thức nào hiệu quả và đột phá hơn. Có trong tay một tài khoản Yahoo do người bạn gốc Campuchia lập cho, chị Hạnh bước vào không gian chat trên toàn cầu hoàn toàn mở. Chị nhận ra internet chính là con đường để thực hiện giấc mơ của mình.

Với tư duy sắc bén, chị Hạnh hiểu rằng để có được thông tin trên mạng phải có trang web, mà muốn có website phải có tên miền, nơi chị có thể khai thác “mảnh đất” để gieo tất cả những “hạt mầm” của mình. 

Chị bắt đầu dành dụm tiền mua nhiều tên miền hơn. “Càng ngày, số lượng tên miền của tôi lên đến hàng nghìn, và mọi người nói tôi là nữ hoàng tên miền. Thực sự tôi không đam mê tên miền như một thứ tài sản mà đối với tôi, chúng như một mảnh đất để ươm mầm thôi”, chị tâm sự. 

Nữ hoàng tên miền Việt Nam và giấc mơ nâng tầm đất nước (1)
Chị Lê Thúy Hạnh (ngoài cùng bên phải) và các cộng sự tại Tập đoàn Micronet.

Trong kinh doanh, ý tưởng quan trọng, nhưng mảnh đất ươm mầm cũng rất cần thiết và giải pháp thực hiện nó cũng quan trọng không kém. Digital Marketing với sự hậu thuẫn của Tập đoàn Micronet đã nhanh chóng trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực tiếp thị số tại Việt Nam, chuyên tư vấn, đào tạo, nghiên cứu thị trường và chuyển giao công nghệ tiếp thị số. 

Trong vòng 7 năm, chị Hạnh cùng chồng và đồng nghiệp đã nghiên cứu ra một sản phẩm mang tên “Open Web” nhằm tối ưu hóa tất cả những mảnh đất này. Thay vì phát triển từng mảnh đất một, công ty quy hoạch thành khu, từ đó ươm những hạt giống vào đó. Open Web là sản phẩm công nghệ Việt tích hợp giữa mạng xã hội, diễn đàn, blog và nhiều hình thức khác nhưng ở dạng siêu liên kết website, xây dựng trên nền một tài khoản, có thể truy cập hàng nghìn trang web. Open Web là giải pháp truyền thông và kinh doanh hợp nhất hướng đến xây dựng một xã hội điện tử trong đó có 36 lĩnh vực quan trọng trong xã hội. 36 lĩnh vực là 36 mạng bao gồm mạng nông nghiệp, mạng văn hóa xã hội, mạng giáo dục, mạng ô tô, mạng bất động sản… 

Nếu giải pháp đó hoàn thành, xem như giấc mơ từ ngày lớp 6 của chị: xây dựng đất nước Việt Nam trên mạng internet toàn cầu sẽ thành hiện thực. Đó là một Việt Nam toàn khác biệt với tất cả những gì đẹp đẽ, tinh túy, được sắp xếp gọn gàng và hình ảnh của VN sẽ lên tầm quốc tế.

Trong lúc khó khăn, thay vì các dự án lớn, chị Hạnh tập trung vào những dự án nhỏ để phục vụ cho công việc trước mắt. Ngoài ra, chị cũng đang tìm kiếm các nhà đầu tư “Angel” để họ hiểu những tâm huyết và tham gia cùng mình. 

Làm doanh nhân để hiện thực hóa giấc mơ

Ngay từ nhỏ đã thiên về các môn học xã hội, đến thời điểm này chị Hạnh nhận thấy thế mạnh của mình chính là công tác xã hội. Một khi phát huy hơn nữa thế mạnh này, chị tin mình sẽ làm được nhiều việc có ích.

“Trước đây, tôi có đọc cuốn sách “Mẹ Teresa”, người sinh cùng tháng 4 giống tôi. Tôi cảm tưởng mình có một phần lối suy nghĩ của bà. Con người tôi vô cùng hồn nhiên và hướng đến sự tự do cho mình và xã hội. Tính cách đó khiến tôi hạnh phúc và làm mọi người vui vẻ. Song đôi khi lối sống quá hồn nhiên, nhiều người muốn “ bắt nạt” mình. Nhưng tôi đã lựa chọn cuộc sống đó và doanh nhân chỉ là một trong những cách thức để tôi hiện thực hóa giấc mơ của mình”, chị tâm sự.

Đối với chị, doanh nhân không gắn liền với tiền. Mở doanh nghiệp là phương thức để chị thực hiện ước mơ khiến cộng đồng thế giới biết đến đất nước – con người Việt Nam. 

“Doanh nghiệp là con đường cực kỳ tốt để thực hiện mọi thứ. Có thể sau này tôi sẽ làm một DN xã hội phù hợp với con người mình hơn”, chị tiết lộ.

Tân Hoa
Theo TTVN