- Là một trong những lãnh đạo hoạt động trong lĩnh vực digital marketing (tiếp thị số), chị đánh giá thế nào về hoạt động kinh doanh trên thị trường Việt Nam hiện nay? Chị đã gặp những khó khăn, áp lực nào và nó có ảnh hưởng đến cuộc sống của chị hay không?

- Là doanh nhân trẻ, lại là nữ giới nên những năm đầu khởi nghiệp tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi có thuận lợi là sức trẻ và sự dấn thân để thực hiện giấc mơ của mình. Nhưng vào thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, tôi đã nhận thấy nhiều khiếm khuyết của bản thân, khiếm khuyết của thị trường cũng như các chính sách.
 
Với một ngành mới là tiếp thị số mà bản thân không phải là dân CNTT, marketing, tôi cũng gặp phải không ít khó khăn. Nhưng khi internet phát triển, tư duy mở, chúng ta có thể kết hợp với người khác để làm. Nhưng cái khó là khi kết hợp với người khác, khả năng cam kết của nhân sự tại Việt Nam với công việc chưa cao.

Hai nữa là vấn đề về pháp lý: tên miền ở quốc tế được chuyển nhượng tự do. Nhưng ở VN vấn đề này trước đây bị cấm và bây giờ mới được tháo gỡ. Nghĩa là, cũng mất một thời gian rất dài khiến mình bị đọng vốn, không phát huy được tất cả những cái mình có.
 
“Lấy ngắn nuôi dài”

- Thưa chị, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, chị có biện pháp gì để chống đỡ với khủng hoảng?
 
- Giải pháp của chúng tôi cũng giống như các DN khác: giảm nhân sự. Trước đây, tiền lương là nguồn động lực sinh ra tài sản, nhưng đến nay nó là tiêu sản bởi DN ít sản xuất, dành ngân sách cho marketing không nhiều. Chúng tôi giữ lại những nhân sự cốt lõi và những người có khả năng đi lâu dài với mình. 

Giải pháp thứ hai chúng tôi triển khai là xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ. Thời điểm này tôi đi cà phê, đi chơi, đi học rất nhiều để xây dựng cho mình đối tác làm ăn, hoặc trao đổi dịch vụ, thay vì dùng tiền mặt.
 
Giải pháp thứ 3 là “lấy ngắn nuôi dài”. Thay vì tập trung vào những dự án dài hơi, chúng tôi đưa ra những giải pháp với chi phí thấp hơn cho khách hàng, chăm sóc khách hàng nhiều hơn và đề xuất những giải pháp dễ thực hiện. 

Đây cũng là cơ hội để triển khai những dự án mang tính đột phá. Lúc khó khăn người ta mới thấy bản chất và ý nghĩa của tiếp thị số: giảm thiểu chi phí, lan truyền nhanh, khả năng tự điều khiển và phát triển tốt. Digi Marketing cũng đang tập trung xây dựng các đề án hỗ trợ nhà nước và các tập đoàn. Đặc biệt, Chúng tôi cũng tập trung vào giải pháp đào tạo và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp.
 
Phụ nữ quyết liệt hơn nam giới

TGĐ Digimarketing Lê Thúy Hạnh: ‘Phụ nữ tinh tế, nhanh nhẹn và quyết liệt hơn!’ (I) (1)
"
Khi làm việc với nhân viên nam, tôi thường tế nhị dành cho họ thế chủ động".

- Chị có gặp khó khăn khi quản lý những nhân viên nam?

- Khi làm việc với nhân viên nam, tôi thường tế nhị dành cho họ thế chủ động. Người đàn ông bao giờ cũng thích chủ động. 

Tuy nhiên, có vấn đề về giới ở nước mình vẫn còn mặt hạn chế. Nhiều người nghĩ rằng, đàn ông sẽ không hài lòng khi không được ra quyết định. Tôi lại nghĩ đó là vấn đề khoa học. Có những công việc phụ nữ ra quyết định tốt hơn nhờ sự tinh tế, nhanh nhẹn và khả năng phán đoán tốt. Đàn ông thiên nhiều về sự chính xác, logic; còn phụ nữ thiên về cảm xúc. Trong giai đoạn hiện nay, những quyết định đòi hỏi sự nhanh nhẹn, phụ nữ lại quyết liệt hơn.

Tuy nhiên, đối với một số đàn ông quá độc đoán, mình cần cẩn thận và dần thay đổi cách điều hành để triển khai công việc phù hợp với họ. Đây cũng là vấn đề khó mà tôi tin mỗi nữ doanh nhân luôn phải đối mặt.

Doanh nghiệp đôi khi chết vì những thứ vụn vặt
 
- Là lãnh đạo, nhiều khi chứng kiến tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới, chị nhìn nhận ra sao và làm thế nào để giải quyết được tình trạng này?
 
- Đây đúng là một thực tế không nên diễn ra. Con người cần được đào tạo để tôn trọng ý kiến của nhau như là một thứ nhân quyền tốt thượng. Nhưng ở Việt Nam, vấn đề giới tính, tuổi tác, thâm niên công tác có ảnh hưởng lớn tới cách triển khai công việc.

Chính vì vậy, tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” diễn ra khi họ nghĩ rằng bản thân có khả năng, có quyền can thiệp vào công việc của người khác trong khi đang bỏ rơi vị trí của chính mình. 

Nhiều doanh nghiệp dễ bị chết vì những thứ vụn vặt  vì quan hệ giữa các nhân sự nội bộ. Nguyên nhân là thiếu kỹ năng sống. Chỉ có một cách là mỗi cá nhân phải nâng cao giáo dục kỹ năng sống. Thực tế trong tình huống đó, tất cả chúng ta đều là nạn nhân, sẽ là nạn nhân đều làm những thứ chúng ta không muốn. Do vậy, điều quan trọng là trước khi vào môi trường làm việc con người phải tập trung học hỏi về thái độ và kỹ năng sống. Ở Việt Nam quá chú trọng vào kiến thức mà bỏ qua hai yếu tố quan trọng hơn trên. Đây là thời điểm  tuyệt vời để rèn luyện hai yếu tố này.

(còn nữa)
 
Tân Hoa
Theo TTVN