|
Ông Tom Fiedler và TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn trong cuộc giao lưu trực tuyến ngày 10/11 (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Vai trò của đảng phái và truyền thông truyền thống đang mờ đi
- Nhìn lại con đường của ông Obama, khởi đầu nan nhưng đã chiến thắng, không chỉ trước John McCain mà ngay trong đảng Dân chủ, ông Obama cũng đã thể hiện một tư duy tranh cử rất mới. Ông có thể phân tích những điểm đặc biệt nhất trong chiến dịch tranh cử của Obama?
Sự khác biệt ấy thể hiện trong một từ thôi: Internet. Ông Obama đã có một chiến dịch tranh cử không giống với bất cứ một chiến dịch tranh cử nào trước đây, và chỉ ra rằng các chiến dịch tranh cử từ nay về sau sẽ giống hệt như vậy.
10-15 năm trước đây, nếu bạn là một ứng cử viên Tổng thống, bạn phải có hai điều: sự ủng hộ trong đảng, vì các chính đảng lúc đó còn rất mạnh, họ quyết định ai sẽ là ứng cử viên và cung cấp tiền cho người đó tranh cử; và sự ủng hộ của giới truyền thông, vì các ứng cử viên phải nói chuyện với cử tri thông qua các phương tiện truyền thông. Một ứng cử viên thành công là khi họ có các đoạn phim quảng cáo được nhiều người xem, và được truyền thông hỗ trợ trong việc truyền tải thông điệp. Truyền thông ở đây chính là các mạng lưới truyền hình và các tờ báo in lớn.
Nhưng Obama đã chỉ ra rằng bạn không nhất thiết phải có 2 thứ đó. Tiền ông có được để tranh cử không có đồng nào là của đảng Dân chủ huy động cho. Ông ấy đã bỏ qua đảng Dân chủ để gây quỹ bằng những khoản đóng góp nhỏ từ hàng triệu người gửi trực tiếp đến cho ông thông qua Internet. Ông cũng không cần truyền thông hậu thuẫn mà tìm trực tiếp đến cử tri của mình thông qua Internet.
"Nếu bạn muốn biết ngay khi tất cả mọi người cùng biết ai sẽ là ứng cử viên Phó Tổng thống của tôi, bạn không cần một buổi họp báo, hãy gửi đến chiến dịch tranh cử của tôi số di động của bạn và bạn sẽ nhận được tin nhắn thông báo ngay lập tức không chậm chễ hơn bất cứ ai." Mọi người đều gửi số di động của họ. Obama đã có mối liên hệ trực tiếp với cử tri... |
Nhưng điều thông minh nhất mà tôi thấy ông Obama đã làm, đó là khi ông dự định tuyên bố chọn Joe Biden làm người liên danh tranh cử, ông thông báo đến mọi người rằng ông sẽ công bố thông tin này qua tin nhắn điện thoại: Nếu bạn muốn biết ngay khi tất cả mọi người cùng biết ai sẽ là ứng cử viên Phó Tổng thống của tôi, bạn không cần một buổi họp báo, hãy gửi đến chiến dịch tranh cử của tôi số di động của bạn và bạn sẽ nhận được tin nhắn thông báo ngay lập tức không chậm chễ hơn bất cứ ai. Mọi người đều gửi số di động của họ.
Và thế là chẳng cần giới truyền thông, ông ấy đã có số di động để liên hệ trực tiếp với hàng triệu cử tri. Và điều đó giống như là Obama cầm máy lên và gọi thẳng cho bạn vậy. Bạn không cần bất cứ ai nói cho bạn biết ông ấy thông báo gì, bạn nhận được thông tin trực tiếp qua tin nhắn điện thoại. Nhờ vậy Obama đã có một cơ sở dữ liệu khổng lồ về số điện thoại di động của cử tri đế liên hệ trực tiếp không cần qua bất cứ phương tiện truyền thông nào.
Và thế là trong cuộc bầu cử này, vai trò của chính đảng đã giảm đi rất nhiều, và vai trò của các loại hình truyền thông truyền thống cũng giảm đi nhiều. Internet đã đem lại lợi thế vô cùng to lớn cho ứng cử viên biết tận dụng nó.
Internet cũng giúp ông ấy liên hệ trực tiếp với những người trẻ tuổi, những người không đọc báo, không xem TV, mà chỉ suốt ngày ở trên Internet, họ có những cộng đồng ảo như MySpace, Facebook và trò chuyện với nhau bằng tin nhắn. Obama đã đến với họ bằng điện thoại di động, bằng Internet và những người trẻ tuổi đã đi bầu nhiều hơn bất cứ cuộc bầu cử nào trước đây.
Internet đã thay đổi tất cả và Obama đã chứng minh đó là cách chiến thắng trong một cuộc bầu cử. Và khi đó chính đảng phải xem lại vai trò của mình, họ sẽ làm thế nào trong tương lai?
- Điều có có nghĩa là những điều ông viết trong nghiên cứu của mình về vai trò của Internet trong bầu cử Tổng thống ở Trung tâm Shorenstein năm ngoái giờ đã thành hiện thực?
Tôi đã viết về vai trò của Internet trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, nhưng càng về sau điều đó càng rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử. Tôi tin rằng, xu hướng đó sẽ tiếp tục từ nay về sau.
Các ứng cử viên Tổng thống trong tương lai sẽ không thể tranh cử theo cách cũ như Bill Clinton đã làm năm 1996 trước khi có Internet. Họ cũng không thể tiếp tục phụ thuộc vào các chính đảng và các phương tiện truyền thông truyền thống. Sự giao tiếp giờ đây phải diễn ra trên Internet.
Obama sẽ độc lập hơn với các nhóm lợi ích
- Giờ đây, khi mà ông Obama có thể độc lập với đảng Dân chủ, những chính sách của ông ấy sau này cũng có thể độc lập. Nhưng trong chính trường Mỹ luôn có những nhóm lợi ích có khả năng tác động đến các chính sách, như các tập đoàn lớn bỏ hàng đống tiền để vận động hành lang, không chỉ với chính phủ mà cả Thượng viện và Hạ viện. Hiện trạng này liệu có thể thay đổi dưới thời của ông Obama?
Chắc chắn điều này sẽ thay đổi. Vận động hành lang chỉ có tác dụng khi các tập đoàn lớn đóng góp nhiều tiền cho chính đáng để chi phí cho ứng cử viên. Nhưng Obama lại gây quỹ qua Internet, nghĩa là chẳng có tập đoàn nào ký cho ông ấy một tấm séc to tướng cả, mà là hàng nghìn hàng triệu người dân đóng góp cho ông ấy những khoản tiền nhỏ. Và số đông đó có ảnh hưởng hơn bất cứ chiều vận động hành lang nào.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đó chính là một hình thức kinh doanh mới, “B to C – Business to Customer”, chứ không phải “B to B - Business to Business”. Tức là trước đây các Đảng giới thiệu nguồn lực tài chính cho ứng viên, kiểu Business to Business. Còn ngày nay, Obama chọn Business to Customer, tiếp cận trực tiếp với các cử tri, gây quỹ trực tiếp từ cử tri.
- Chính xác đó là việc ông ấy đã làm. Để nói về cách làm này là một câu chuyện dài, nhưng có thể thấy rằng ông có những khoản tiền nhỏ từ lượng khổng lồ những người đóng góp thay vì những khoản đóng góp khổng lồ từ một số ít người. Do đó, ông sẽ có xu hướng độc lập hơn, không ai có thể đến gặp ông và nói: ông phải làm như thế này, nếu không chúng tôi sẽ làm tổn thương sự nghiệp chính trị của ông. Ông sẽ có sự độc lập hơn trong các lựa chọn mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhóm này. Đó cũng là điều mọi người trông đợi.
Nội các mới lưỡng đảng và giàu kinh nghiệm
- Liệu nội các của tân Tổng thống sẽ được định hình ra sao. Ai là người được Obama lựa chọn, khi mà ông có vị trí độc lập tương đối so với đảng của mình?
- Tôi không thể nói chính xác ai sẽ nắm giữ vị trí nào trong nội các mới, nhưng sẽ là công bằng nếu nói, nhìn vào danh sách các cố vấn trong cuộc vận động tranh cử, những người mà Obama đánh giá cao, chúng ta có thể nhìn thấy được nội các tương lai.
Người phụ trách nhóm vận động tranh cử của Obama, nghị sỹ Rahm Emanuel từ bang Illinois, người được Obama xem là đồng sự, đã từng là cố vấn cấp cao của Tổng thống Bill Clinton ở Nhà Trắng. Ông Rahm Emanuel mang đến những kinh nghiệm ở mức độ mà bản thân Obama thừa nhận là mình không có được. Theo quan sát của tôi, Obama sẽ có xu hướng tìm đến những người nhiều kinh nghiệm như vậy để hỗ trợ cho mình.
TNS Joe Biden, "phó tướng" của Obama chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đáng kể trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong vấn đề đối ngoại. Joe Biden hiện là Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Thượng viện và được xem là chuyên gia hàng đầu của Mỹ về quan hệ quốc tế, do đó, cùng với Ngoại trưởng, ông Joe Biden sẽ đóng vai trò tích cực trong xử lý các vấn đề đối ngoại, có các cuộc thảo luận, đối thoại quốc tế.
Ông Barack Obama cũng sẽ cố gắng có những người tham gia nội các là thành viên của đảng Cộng hoà hoặc các nhân vật độc lập. Ông có thể đưa ra một thông điệp rằng ông không phải là con người của đảng phái, tôi muốn có những người thực sự là tốt nhất để cố vấn cho tôi về những vấn đề chính trị có thể giải quyết tốt nhất.
|
Ông Obama sẽ có sự độc lập hơn các lựa chọn mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhóm lợi ích. |
Và điều này đang diễn ra trên thực tế. Nhìn vào những người mà ông Obama gặp gỡ, trò chuyện, rõ ràng yếu tố đảng phái, hệ tư tưởng không nằm trong danh sách các vấn đề được đặt ra.
Truyền hình là bán buôn, còn Internet là bán lẻ
- Internet đã làm thay đổi nhiều thứ, và Obama đã đạt được nhiều từ Internet, như huy động được nguồn ngân sách khổng lồ, nhận được sự hỗ trợ rộng rãi từ những cử tri sử dụng Internet, giống như là quan hệ khách hàng của một DN. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, điều khá thú vị là sau huy động được nguồn tiền lớn từ Internet, phần lớn nguồn quỹ của Obama lại đổ vào cho các báo chí truyền thống: truyền hình và báo in. Ông nghĩ sao?
Nó cũng giống như là sự khác biệt của các hoạt động bán lẻ và bán buôn. Bán buôn thì bạn bán sản phẩm cho những nhà phân phối, những thứ có khi chưa hẳn đã cần thiết cho công chúng còn bán lẻ thì bạn chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Khách hàng sử dụng sản phẩm bao giờ cũng tìm đến người bán lẻ chứ không phải tìm người bán buôn để mua hàng.
TV muốn có bán buôn qua các quảng cáo, Obama muốn đưa các thông điệp qua các kênh truyền hình. Tuy nhiên, họ không kết thúc quá trình bán hàng. Quá trình bán hàng kết thúc với hoạt động bán lẻ, thông qua Internet, từng người một. Bạn là khách hàng mua lẻ, bạn lên Internet và kiểm soát việc thông tin nào bạn muốn tiếp cận và nếu bạn muốn đóng góp quỹ vận động tranh cử, bạn cũng là người kiểm soát hành động này. Đó chính là địa bàn của hoạt động bán lẻ. Ứng viên cần cả hai loại hình thành này.
Họ vừa cần có những dòng tin, những bài viết, những quảng cáo trên các chương trình truyền hình, các báo in danh tiếng, nhưng đồng thời, cũng cần kết thúc quy trình bán hàng với internet. Và chi phí cho truyền hình bao giờ cũng đắt hơn vì công nghệ quy định như thế.
- Trong tương lai, liệu Internet có đóng một vai trò lớn hơn?
Chắc chắn là như vậy.
- Liệu có một ngày nào đó, chi phí các ứng viên dành cho Internet và truyền hình tương đương nhau?
Tôi không nghĩ có sự ngang bằng ở đây. Bạn không bao giờ cần chi trả một khoản lớn như vậy để tạo sự kết nối toàn cầu thông qua Internet.
Theo kinh nghiệm làm báo của tôi, nếu bạn bán sản phẩm điện thoại di động và bạn muốn có không gian dành cho quảng cáo sản phẩm đó trên báo in và trên trang điện tử của tờ báo, bạn sẽ phải chi 12 USD cho báo giấy trong khi chỉ 1 USD cho quảng cáo trên sản phẩm điện tử với cùng một yêu cầu. Quảng cáo trực tuyến bao giờ cũng rẻ hơn. Do đó, bao giờ ứng viên cũng tốn khoản kinh phí lớn hơn cho báo chí truyền thống để tạo ảnh hưởng.
- Với mức phí rẻ hơn nhiều như vậy, làm sao các tờ báo trực tuyến tồn tại?
Họ không cần một khoản quá lớn để tồn tại. Báo điện tử và báo giấy cùng có tòa soạn với các phóng viên cần được trả lương. Tuy nhiên, báo giấy cần có những người điều hành hoạt động của máy in, mua giấy, mực, xe tải chuyên chở khắp các thành phố để đưa báo, và dĩ nhiên các xe này tiêu tốn năng lượng và bạn phải bỏ tiền chi trả. Với báo điện tử, bạn chỉ cần phòng tin và một số kỹ thuật điều hành, nghĩa là bạn sẽ không tiêu tốn quá nhiều để tạo nên cùng một lượng sản phẩm báo chí.
- Vậy các tờ tin điện tử phải xử lý ra sao với bài toán ngân quỹ của mình để có được những hợp đồng quảng cáo?
Hơn 10 năm trước, bạn phải chi hầu hết tiền cho truyền hình, một số rất ít cho báo giấy, và do chưa có Internet, bạn không phải tiêu tốn đồng nào cho nó. Vào thời điểm này, có thể bạn vẫn chi từng đó cho truyền hình và báo in, nhưng bạn vẫn cần Internet, không chỉ để quảng cáo mà còn là công cụ để kết nối, tìm và xác định tin tức... Số tiền bạn chi cho Internet, trực tiếp hoặc gián tiếp, chắc chắn sẽ tăng. Khi tiêu dùng cho Internet tăng, doanh thu của bạn cũng sẽ cải thiện rất nhanh.
Quan hệ giữa Tổng thống và báo chí thay đổi
Say sưa trao đổi, tranh luận... (Hình ảnh trong cuộc bàn tròn trực tuyến ngày 10/11 tại VietNamNet) Ảnh: Lê Anh Dũng |
- Là người đã rất thành công trong việc sử dụng Internet trong quá trình tranh cử, theo ông, liệu ông Obama có tiếp tục xu hướng này trong thời gian cầm quyền và nếu có, cách thức triển khai sẽ như thế nào?
Ông ấy sẽ xây dựng trên những nền tảng sẵn có. Tôi đã đề cập trước đó về cách ông ấy thu thập tất cả các số di động khi ông tuyên bố sẽ gửi tin nhắn để thông báo về ứng viên liên danh cùng ông tham gia tranh cử Tổng thống.
Và bây giờ ông ấy vẫn có những số điện thoại đó và ông sẽ sử dụng công cụ đó để lôi kéo mọi người "can dự" cùng ông ấy và kết nối trực tiếp với người Mỹ khi ông có bất kỳ một chính sách mới nào. Có thể khi tuyên bố triển khai một chính sách, thay vì tổ chức họp báo hoặc tiếp xúc ở trung tâm báo chí của Nhà Trắng, ông sẽ gửi tin nhắn điện thoại. Cách truyền thông trực tiếp giữa Tổng thống và người dân sẽ là điểm thú vị trong thời gian tới.
Câu hỏi đặt ra là vị trí nào dành cho báo chí? Liệu báo chí có trở thành kẻ ngoài cuộc trong những tuyên bố chính sách hoặc bất kỳ cáo buộc nào về chính sách? Báo chí sẽ phải tìm cách để thu hút được sự quan tâm của tân Tổng thống và người dân Mỹ.
10 năm trước, Tổng thống phải thông qua báo chí để tiếp cận được với cử tri. Tổng thống không có vị trí bình đẳng trước báo chí, vì họ có thể có quyền lựa chọn đưa tin hoặc không đưa tin và Tổng thống theo cách nào đó bị phụ thuộc. Ngày nay, mối quan hệ này đã khác.
- Nghĩa là ông Obama không chỉ thay đổi truyền thông nước Mỹ mà có thể ông còn làm thay đổi cả cách thức quản lý, cách thức điều hành kinh doanh ví dụ ông có thể đến trường Kinh doanh Harvard, ông có thể xem xét lại những lí thuyết về quản lý, kinh doanh qua nghiên cứu chiến dịch tranh cử của Obama với việc tận dụng Internet?
|
|
Cách truyền thông trực tiếp giữa Tổng thống và người dân sẽ là điểm thú vị trong thời gian tới. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Đúng vậy, một chiến dịch vận động tranh cử không khác là bao so với một chiến dịch marketing sản phẩm. Những công cụ mà ứng viên Tổng thống sử dụng để tự rao bán mình cũng giống như công cụ mà các công ty dùng để bán sản phẩm. Chúng ta có thể học được từ điều đó và internet có vị trí quan trọng.
Từ chuột Mickey đến Tổng thống Mỹ
- Nhiều độc giả muốn tìm hiểu về cuộc đời làm báo của ông. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời làm báo của ông?
Tôi rất vinh dự vì với nghề báo, tôi đã có cơ hội được gặp rất nhiều những con người thú vị, có cơ hội viết về những gì họ làm, tạo nên sự quan tâm của người Mỹ và cử tri Mỹ.
Tôi đã viết về rất nhiều Tổng thống, và tôi biết về nhiều vị rất rõ, như Jimmy Carter chẳng hạn. Tôi đã từng tới nông trại của Jimmy Carter ở Georgia, chúng tôi chơi bóng với nhau, đội của Tổng thống và đội của báo giới.
Theo một cách nào đó, tôi tự hào vì biết họ không chỉ trên tư cách Tổng thống, con người tại văn phòng, với công việc mà là con người bình thường, là chính họ trước khi là Tổng thống. Tôi nghĩ đó là điều thích thú khi trở thành nhà báo, trở thành nhân chứng cho nhiều câu chuyện lịch sử và viết về những câu chuyện đó, giúp mọi người được thấy như chính tôi thấy, hiểu được những nguyên nhân và cả những tác động đưa tới một quyết định của họ.
Tôi sẽ không đổi nghề báo với bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Bây giờ, ở trường Truyền thông thuộc ĐH Boston cũng rất thú vị, khi tôi đào tạo những sinh viên, tương lai của nền báo chí. Tôi rất lạc quan về cách làm thế nào họ nắm giữ thế giới và cải thiện nó.
- Ông đã từng là TBT của tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ Miami Herald, và làm nghiên cứu về truyền thông ở ĐH Harvard. Trong suốt quá trình đó, câu chuyện đẹp nào ông muốn chia sẻ?
Thật khó để kể ra một câu chuyện đẹp. Những câu chuyện tôi thường kể là những chuyện làm tôi bối rối, khi làm một điều gì đó sai trái. Tôi sẽ kể về việc làm thế nào tôi trở thành một phóng viên chính trị.
Công việc đầu tiên tôi làm với tư cách nhà báo là tôi đến Orlando, Florida, có rất nhiều kỷ niệm và tới tòa soạn báo ở Orlando, Florida và đề nghị một công việc. Họ giao cho tôi viết về thế giới Disney, bởi đó là vào năm 1971, và Disney World sẽ mở vài tháng sau đó. Tòa soạn muốn thuê một người nào đó, một người trẻ như tôi viết về Disney World.
Công việc của tôi là đến khu vực Disney World, gặp và phỏng vấn rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới, và họ muốn đóng vai các nhân vật trong thế giới Disney, mặc những bồ đồ của Nàng Bạch tuyết, 7 chú lùn, Vịt Donald... Bài báo đầu tiên của tôi chính là viết về họ, những người muốn nhập vai các nhân vật của thế giới hoạt hình Disney.
Viết về Disney World, nhiều người chưa hiểu rằng nó không chỉ là một phần của Orlando, Florida mà là một thành phố trong lòng Florida. Họ có chính quyền, có Thị trưởng và Hội đồng lãnh đạo. Tôi bắt đầu viết về chính quyền của Disney World.
Và từ một người viết về Disney World, tôi bắt đầu đưa tin về hoạt động của chính quyền, rồi viết về chính trị và cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ. Cuộc bầu cử đầu tiên tôi bắt đầu viết là năm 1972. Kể từ đó, tôi tiếp tục viết về bầu cử Tổng thống trong suốt 25 năm.
Bài học tôi rút ra từ đó là bạn có thể bắt đầu từ việc viết về chú chuột Mickey để trở thành người viết về các vị Tổng thống, và có một sự kết nối trực tiếp từ chú chuột Mickey tới chính trị.
Văn hóa đại học: Cởi mở, đối thoại và tôn trọng khác biệt
- Từ làm việc trong một tòa soạn báo chuyển sang làm lãnh đạo một trường ĐH, nơi có những vị học giả với các bằng cấp cao, trong khi ông chưa có bằng tiến sỹ liệu có quá khó khăn với ông?
Thực ra một trường học cũng không khác nhiều với phòng tin. Ở trường ĐH có nhiều Giáo sư, thông minh, có những ý kiến đầy sức nặng và không có ý định thay đổi quan điểm của mình. Ở phòng tin cũng tương tự, với các phóng viên, biên tập viên và họ cũng đều rất thông minh, họ biết điều gì cần làm và quan điểm là gì, và bạn không cần phải dạy họ.
|
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Trong cả hai trường hợp, bạn đều phải thuyết phục họ điều bạn muốn họ làm là gì vì lợi ích của mỗi người. Làm Hiệu trưởng trường Báo chí, tôi nhận thấy mình cũng đang làm giống như vậy, nói với các giảng viên lí do tại sao tôi muốn họ làm như vậy, mục tiêu của tôi là gì, và tại sao tôi nghĩ mục tiêu này sẽ mang lại điều tốt đẹp cho trường ĐH Boston và cho trường Truyền thông. Tôi nói với họ, đừng chống lại tôi, và chúng ta sẽ tìm ra cách để làm. Làm việc ở trường ĐH thực sự rất thoải mái.
- Thực tế có những người từng có rất nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế nhưng khi làm quản lý một môi trường học thuật họ đã bị phản đối rất nhiều. Larry Summer ở ĐH Harvard là một ví dụ, khi ông muốn thay đổi nhiều thứ. Ông nghĩ sao?
Tôi không thể nhận xét rằng những gì Larry Summer làm là đúng hay sai vì tôi không nắm rõ. Nhưng ĐH Boston có văn hóa khác với ĐH Harvard.
ĐH Harvard là nơi rất truyền thống, bảo thủ trong cách họ điều hành hoạt động. Các Giáo sư Harvard thường có xu hướng rất rõ ràng. Họ xem ngôi trường của mình là ngôi trường của sự chuyên nghiệp. Chúng tôi quan niệm ĐH Boston là nơi đào tạo sinh viên trở thành người chuyên nghiệp. Do đó, những người chuyên nghiệp sẽ làm việc một cách chuyên nghiệp.
Và tôi cũng không phải là nhân vật bên ngoài vào trường mà tôi là một người làm nghề chuyên nghiệp ở ngôi trường đào tạo chính nghề đó. Chúng tôi sẵn lòng mời những người bên ngoài trường ĐH đến nhận xét, khuyến nghị về những thay đổi và xem chúng tôi có thể làm gì đó để thay đổi dễ dàng hơn so với Harvard.
- Có lẽ đó cũng là điều nền giáo dục ĐH của Việt Nam cần tham vấn khi họ không chú trọng mời những người từ bên ngoài có kiến thức và tầm nhìn từ thực tiễn tới giảng dạy và quản lý thay vì chỉ chú trọng đến bằng cấp tiến sỹ?
Có 2 triết lý khác nhau về giáo dục ĐH, một là mô hình của Oxford và Cambrigde, môi trường chú trọng đào tạo khoa học xã hội. Hai là mô hình giáo dục ĐH của Đức, nơi đào tạo sinh viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể.
ĐH Boston theo mô hình giáo dục ĐH của Đức, còn Harvard là thuộc mô hình Oxford. Trong Harvard, trường Kinh doanh Harvard là nơi duy nhất đào tạo để trở thành người làm việc chuyên nghiệp và mang văn hóa khác với văn hóa của Harvard.
- Đây là lần đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Ông cảm nhận như thế nào?
Tôi trở lại Việt Nam vào một ngày rất đẹp, không mưa và thời tiết nắng đẹp. Tôi rất trông đợi được tới thăm Hà Nội để thấy năng lượng của thành phố này. Rất nhiều hoạt động, nhiều ngôi nhà đang được xây dựng và rất nhiều người trẻ, tất cả đều tràn trề sinh lực. Tôi hi vọng sẽ được sớm trở lại thăm thành phố này.
- Thời gian đã dài, chúng tôi xin dừng cuộc trực tuyến tại đây. Còn rất nhiều các câu hỏi của độc giả gửi về. Chúng tôi sẽ chuyển tới ông qua email và hi vọng sẽ nhận được câu trả lời của ông từ Boston. Cảm ơn ông đã dành thời gian trực tuyến với VietNamNet.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét