Micronews

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Sự sụp đổ của một nền kinh tế thật sự

Cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng có xu hướng tồi tệ hơn với khả năng hệ thống thanh toán quốc tế sẽ bị gián đoạn. Nó ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế thế giới và mức độ còn nghiêm trọng hơn cả thời kỳ Đại suy thoái.

Nền kinh tế xuống dốc sẽ mang lại lợi ích cho đối tượng nào? (Ảnh: Corbis)


Những đề xuất của giới ngân hàng về một chương trình “cứu trợ” với cái tên Chương trình giải trừ những tài sản xấu (TARP) không phải là một “giải pháp” cho cuộc khủng hoảng mà còn là một “nguyên nhân” của một cuộc sụp đổ lớn hơn nữa.

TARP khiến cuộc khủng hoảng lún sâu hơn. (Ảnh: Corbis)

Những kế hoạch “giải cứu” góp phần vào việc kéo dài hơn tiến trình bất ổn định cấu trúc tài chính. Nó chuyển một lượng lớn tiền đóng thuế của người dân vào tay các tổ chức tài chính tư nhân, khiến các món nợ công thay đổi liên tục và tập trung quyền lực vào ngân hàng.

Chưa hết, số tiền cứu trợ được các tập đoàn tài chính sử dụng để đảm bảo việc thâu tóm những tập đoàn khác cả trong lĩnh vực tài chính và cả nền kinh tế.

Cung vượt cầu

Nền kinh tế thật sự đang trong khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp đang ngày một tăng dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về tiêu dùng của người dân, cũng như các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Với những chính sách kinh tế vĩ mô mới, cuộc khủng hoảng ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn khi cung vượt quá cầu.

Các công ty kinh doanh không thể bán sản phẩm bởi phải cắt giảm chi phí lao động, nghĩa là nhân viên bị sa thải và hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Với lợi nhuận “còm cõi” của mình, họ không có đủ khả năng tiếp tục sản xuất.

Số lượng hàng hoá tồn kho ngày càng lớn. Nền sản xuất theo đó sụp đổ, việc cung cấp hàng hoá giảm do hàng loạt các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp buộc bị đóng cửa.

Do các nhà máy đóng cửa, thêm nhiều công nhân bị thất nghiệp, từ đó dẫn đến tình trạng nghèo đói và sự sụt giảm về tiêu chuẩn sống trên phạm vi toàn thế giới.

Đó là hệ quả của một nền kinh tế lao động rẻ mạt đang suy yếu, được coi là đặc điểm chủ yếu ở các nhà máy có chi phí lao động thấp ở những nước thuộc thế giới thứ 3. Cuộc khủng hoảng thậm chí dẫn tới sự bần cùng hoá ở đại đa số các bộ phận dân cư ở những nước được gọi là phát triển (bao gồm cả những tầng lớp trung lưu).

Ở Mỹ, Canada và các nước phương Tây, toàn bộ khu vực công nghiệp đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tài chính. Trước đó, bắt đầu từ những năm 1980 - nước Mỹ vận hành theo chủ nghĩa Reagan - Thatcher, các công ty khu vực và địa phương, trang trại gia đình và doanh nghiệp nhỏ đã bị thay thế và phá sản.

Ngược lại, sự bùng nổ của các cuộc thâu tóm và sáp nhập những năm 1990 đã dẫn đến một sự hợp nhất và cho ra đời các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Sự đổ vỡ các tập đoàn tài chính

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển gần đây, việc tập trung quyền lực vào ngân hàng không có lợi cho những tập đoàn lớn.

Điều nhận thấy dễ dàng ở trong giai đoạn đặc biệt của cuộc khủng hoảng đó là khả năng các tập đoàn tài chính lớn (thông qua việc kiểm soát tín dụng của mình) không chỉ tàn phá nền sản xuất hàng hoá và các dịch vụ mà còn làm suy yếu và phá huỷ sự tồn tại của các tập đoàn kinh tế lớn của một nền kinh tế thật sự.

Sự đổ vỡ của các tập đoàn tài chính lớn đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế thật sự. (Ảnh: Corbis)

Không chỉ ở riêng lĩnh vực bất động sản và công nghiệp xây dựng, những nạn nhân của một cuộc đại khủng hoảng bất động sản, việc các công ty tuyên bố phá sản và những công ty ngấp nghé bờ vực phá sản có mặt ở tất cả mọi lĩnh vực chính của nền kinh tế như chế tạo, điện tử viễn thông, hàng không, du lịch…

Lấy đơn cử ví dụ từ nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ. Theo số liệu mới nhất, một trong ba đại gia sản xuất xe hơi của Mỹ, General Motors giảm 5.500 việc làm, thay vì 3.600 như đã tuyên bố trước đó. Giá cổ phiếu GM rớt 22,9%, mức thấp nhất kể từ 60 năm qua.

Theo số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố tháng 11, chỉ trong tháng 10, đã có thêm 240.000 người mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 6,1% tháng 9 lên 6,5% trong tháng 10. Tính từ đầu năm đến nay, Mỹ có thêm 1,2 triệu người mất việc.

Một vài trong số những công ty đang trên bờ vực phá sản là những tập đoàn có doanh thu và lợi nhuận khá cao. Câu hỏi quan trọng là: ai sẽ trở thành chủ sở hữu của các tập đoàn ấy nếu chúng bị phá sản?

Phá sản và tịch thu tài sản để thế nợ là một hoạt động quay vòng vốn. Việc cổ phiếu trên thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm, rớt giá, ngay lập tức ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ, vay và thương lượng lại các món nợ của những công ty này.

Những kẻ đầu cơ, quĩ đầu cơ đều thu được lợi từ những vụ sụp đổ. Họ khơi mào cho sự sụp đổ của những công ty đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng cách bán khống và các hoạt động đầu cơ khác.

Một khi giới tài chính hợp nhất được vị trí của mình trong nền công nghiệp ngân hàng, các tập đoàn tài chính trong đó có cả JP Morgan Chase, Bank of America… sẽ sử dụng số tiền lãi từ trên trời rơi xuống mà họ thu được và số tiền cứu trợ thông qua TARP để mở rộng quyền kiểm soát của họ đối với nền kinh tế thật sự.

Bước tiếp theo sẽ là bao gồm việc chuyển đổi các tài sản có tính thanh khoản, cụ thể là tài sản trên giấy tờ (cổ phần) thành một cuộc thâu tóm các tài sản của nền kinh tế thật sự.

Có thể lấy ví dụ về trường hợp của nhà tỉ phú Warren Buffett. Ông là cổ đông chính của General Motors. Gần đây, khi thị trường cổ phiếu giảm trong tháng 10 và tháng 11, Buffett đã nâng số cổ phần của ông ở tập đoàn ConocoPhillips, bỏ qua mục tiêu Eaton Corp khi giá cổ phiếu của tập đoàn này trên thị trường chứng khoán NYSE giảm 62% so với giá trị cổ phiếu thời điểm tháng 12/2007.

Mục tiêu của những cuộc sáp nhập là một loạt những công ty trong ngành nghề dịch vụ và công nghiệp có doanh thu cao đang trên bờ vực phá sản hoặc cổ phiếu mất giá.

Chủ nhân của một nền kinh tế thật sự

Kết quả của những biến chuyển liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng tài chính nêu trên, là cấu trúc sở hữu tài sản của toàn bộ nền kinh tế thật sự suy yếu và lung lay.

Những tài sản trên giấy tờ được tích luỹ thông qua sự vận động thị trường chứng khoán được dùng để dành được quyền kiểm soát các tài sản của một nền kinh tế thật sự, thay thế cấu trúc sở hữu đang bị lung lay.

Những gì mà chúng ta đang phải đối mặt là một mối quan hệ không lấy gì là tốt đẹp giữa một nền kinh tế thật sự và ngành tài chính.

Khối tài chính không tạo ra được hàng hoá. Về cơ bản, họ chỉ có thể tạo ra tiền thông qua việc kiểm soát những giao dịch tài chính. Họ sử dụng những tiến trình giao dịch để thâu tóm những tập đoàn làm ăn chân chính của nền kinh tế thật sự - là những tập đoàn sản xuất ra hàng hoá và những dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng dân dụng.

Thật chua xót là, những người sở hữu mới của nền công nghiệp là những kẻ đầu cơ. Họ trở thành người nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế, thay thế không chỉ cấu trúc sở hữu đang yếu kém mà còn có quyền năng sắp xếp người quản lý các tập đoàn kinh tế lớn.

Emarketing.vn:Mai Trang-Vietnamnet (theo AxisofLogic)

Không có nhận xét nào: