Micronews

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Thế giới cong: Những hiểm nguy đang che giấu

Khi đưa ra khái niệm "thế giới phẳng", Thomas Friedman nhấn mạnh những hệ quả kinh tế tốt đẹp của toàn cầu hoá và viễn ảnh của một nền kinh tế mới của thế kỷ 21.

Đó là một nền kinh tế đang được san phẳng và trong đó một sân chơi toàn cầu đang trở nên công bằng hơn giữa các nước giàu nghèo, cùng với sự giảm đi ảnh hưởng của những nước kỹ nghệ tiên tiến, nhất là Mỹ.

Trái đất ngày càng lồi lõm

Thomas Friedman đã không nêu ra những hệ quả ít tốt đẹp hơn của toàn cầu hoá. Từ năm 2007, những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản và hệ thống tiền cho vay (subprimes) ở Mỹ đã hiện ra. Trong cuộc tranh luận giữa các chuyên gia kinh tế về nguyên nhân và hậu quả của sự phá sản của người mượn tiền mua nhà ở Mỹ trong mùa hè 2008, cuốn sách của David Smick có tựa "Thế giới lồi lõm. Những nguy hiểm che khuất cho nền kinh tế toàn cầu", với một tiểu tựa "Khủng hoảng vay bất động sản chỉ là điểm khởi đầu" , phát hành đúng lúc vào đầu tháng 9.2008, đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của người đọc.

Smick - một cố vấn tài chính ở Washington - đã ghi nhận những hậu quả trái ngược trong nền kinh tế toàn cầu hoá: Sự phát triển nhanh chóng với hàng triệu người ở các nước đang phát triển thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhưng cùng lúc hàng triệu công nhân ở các nước phát triển bị thất nghiệp. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra cho thấy sự mong manh của kinh tế thế giới với một sân chơi hoàn toàn không phẳng và đầy cạm bẫy.

Smick đã phân tích chi tiết sự phát triển của thị trường tài chính trong những thập niên 1960-1990, và đặc biệt những cách làm ăn dối trá của các ngân hàng đầu tư và các quỹ đầu cơ (hedge fund) ở Mỹ trong thập kỷ vừa qua. Việc không ai kiểm soát được hoạt động của các công ty tài chính, ngân hàng, là mấu chốt của vấn đề! Không kiểm soát được vì không phải thiếu luật lệ, mà vì chính quyền Mỹ hiện nay không muốn làm, không can thiệp vào thị trường, để thị trường tự điều tiết.

Theo Smick, chúng ta đang sống trong một thế giới mà hàng ngàn tỉ USD có thể di chuyển trong vài giây, và số tiền khổng lồ đó nằm trong tay một số nhỏ người buôn bán, mỗi ngày đánh cá với lợi nhuận và rủi ro (với tất cả giới hạn của con người nói chung). Vì thế, cuộc khủng hoảng tài chính lần này ít nhất cũng trầm trọng hơn cách đây 80 năm.

Cải tổ lại kiến trúc hệ thống tài chính

Nói chung hệ thống tài chính thế giới hiện nay đang ở trong một thế giới ảo, dù có đổ tiền bao nhiêu vào (như 700 tỉ USD ở Mỹ, hơn 560 tỉ USD ở Trung Quốc,...) có thể cũng không dẫn đến những thay đổi cần thiết. Theo Smick cần phải cải tổ cả hệ thống kiến trúc cơ bản của tài chính thế giới. Cải tổ như thế nào? Dưới cái nhìn của một chuyên gia Mỹ, Smick cho rằng muốn giải quyết phải có một giới lãnh đạo toàn cầu có đủ bản lĩnh trả lời các câu hỏi sau: Đến mức độ nào sức mạnh của thị trường tài chính có thể chấp nhận được, và có thể nào giữ mãi một mô hình phát triển trong đó một số nước (như Trung Quốc) tích luỹ lượng hàng sản xuất khổng lồ và đổ vào nước Mỹ?

Hai tháng sau cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến trì trệ kinh tế, hầu như mọi người, kể cả nhưng người theo chủ nghĩa tân tự do cực đoan nhất, cũng đồng ý là phải tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tài chính thế giới, và cần phải tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư, mậu dịch...

Nhưng tổ chức lại như thế nào đây? Những tranh luận tại hội nghi thượng đỉnh G20 vừa qua ở thủ đô Mỹ, cho thấy sự khó khăn của công việc này. Mỹ và nhiều nước khác cho rằng bộ máy kinh tế thị trường hiện nay "cơ bản là tốt", nên không cần phải thay đổi gì nhiều và chỉ cần tăng "dầu mỡ" bằng các cơ chế quốc tế kiểm soát để chạy tốt hơn. Quan điểm khác cho rằng sau mấy trăm năm, chủ nghĩa tư bản đã già cỗi, cạn ý, không còn phù hợp với thế kỷ 21, nên cần phải xây dựng lại chủ nghĩa tư bản từ tận gốc rễ. Vì trái đất ngày càng "lồi lõm", không dễ sớm chiều đi đến sự đồng thuận nào đó.

Nhìn chung, dù có những chương chưa thật sự thuyết phục và luôn có cái nhìn của một chuyên gia Mỹ, cuốn sách của David Smick: "The World is Curved: Hidden Dangers to the Global Economy" với nhiều thông tin và phân tích cơ bản, là cuốn sách nên đọc (đã được dịch ra tiếng Việt), cho những ai muốn hiểu những chuyển biến nhanh chóng đang diễn ra trong thị trường tài chính thế giới, và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống của mỗi người chúng ta.

Economy.com.vn:Nguyễn Minh Thọ, GS, Trường Đại học Leuven - Bỉ (Lao Động cuối tuần Online)

Không có nhận xét nào: