Micronews

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

Điểm khác biệt giữa chiến thắng và thành công

Ngày nay, Việt nam được cả thế giới biết đến là một đất nước nhỏ nhưng luôn giành chiến thắng trong các cuộc đối đầu lịch sử với những cường quốc xâm lược lớn nhất thời đại từ quá khứ đến hiện tại. Việt nam trở thành một tấm gương cho tinh thần đấu tranh quật cường không khuất phục, không chịu làm nô lệ cốt để giành lại độc lập và tự do cho dân tộc và tiến bộ của toàn nhân loại. Tinh thần đấu tranh đó trở thành một bản sắc, một di sản văn hoá truyền từ đời này sang đời khác và ngày càng hoàn thiện. Là người Việt nam chúng ta có quyền tự hào về điều đó và làm cho tinh thần đó trở thành một thương hiệu quốc gia, góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, để thành công trong thời kỳ mới chúng ta cần hiểu được sự khác biệt giữa chiến thắng và thành công. Hai khái niệm có vẻ tương đồng nhưng lại hoàn toàn khác nhau, có khả năng bổ sung và hoàn thiện cho nhau.

Tại sao chúng ta lại cần phân biệt giữa chiến thắng và thành công?


Bởi đó là hai điều quan trọng của cuộc sống con người, phản ánh tinh thần tiến bộ và tiến lên phía trước của một con người, một dân tộc và cả toàn thế giới. Chiến thắng để không thất bại và thành công để không lãng phí. Chiến thắng để độc lập và tự do, thành công để hạnh phúc. Để độc lập, tự do và hạnh phúc chúng ta cần chiến thắng và thành công. Tuy nhiên, chiến thắng không hoàn toàn có nghĩa là thành công. Việc hiểu điều này, giúp chúng ta có hạnh phúc sau khi đã có độc lập và tự do. Mà hạnh phúc mới là đích đến của con người.

Điểm khác biệt giữa chiến thắng và thành công là gì?

Chiến thắng là kết quả tích cực mà chúng ta đạt được khi đấu tranh với người khác, hoàn cảnh nằm bên ngoài chúng ta. Thành công là kết quả tích cực mà chúng ta đạt được khi đấu tranh với chính mình. Chiến thắng giúp chúng ta có độc lập và tự do. Thành công giúp chúng ta hạnh phúc. Nếu chúng ta không chiến thắng chúng ta sẽ không thành công. Chiến thắng là giai đoạn đầu của thành công và điều kiện cần của thành công. Chiến thắng khiến tinh thần chúng ta vui vẻ, giúp chúng ta được là chính mình. Thành công khiến chúng ta hạnh phúc, giúp chúng ta phát triển chính mình. Từ trước tới nay, chúng ta nhầm lẫn giữa chiến thắng và thành công khiến chúng ta vui vẻ mà chưa hạnh phúc, khiến chúng ta là chính mình mà không biết phát triển chính mình. Để chiến thắng chúng ta cần tập hợp lực lượng từ nhiều nguồn lực bên ngoài nhưng để thành công chúng ta cần tập trung nội lực và khai phá nội lực. Để chiến thắng chúng ta phải hy sinh nhưng để thành công chúng ta không phải hy sinh. Khi không chiến thắng chúng ta sẽ mất tự do, mất tính mạng, mất của cải, mất nhiều thứ...Còn khi không thành công chúng ta sẽ lãng phí thời gian, của cải và nhiều thứ. Điểm khác biệt ở đây chính là mất và lãng phí. Khi mất nghĩa là chúng ta không còn được sở hữu, còn khi lãng phí chúng ta vẫn còn sở hữu nhưng không hiệu quả.
Chiến thắng là bắt đầu của một quá trình, còn thành công là kết quả của một quá trình. Điều này cần phải làm rõ để tránh sự nhầm lẫn giữa kết quả của chiến thắng nghĩa là thành công. Thực tế, chiến thắng mới chỉ là bắt đầu. Sự bắt đầu đó có thể ở vị thế thấp hoặc cao do kết quả tích cực mà nó nhận được sau khi chiến thắng. Điểm bắt đầu cao khi kết quả của chiến thắng là thu về nhiều người, nhiều của cải và nhiều thứ khác. Điểm bắt đầu thấp khi kết quả của nó là mất nhiều người, nhiều của cải và nhiều thứ khác. Thông thường, nếu điểm bắt đầu cao thì cơ hội chiến thắng nhanh, nếu điểm bắt đầu thấp thì chiến thắng muộn.
Ngoài ra, có một điểm cần lưu ý khi sử dụng tư duy, kiến thức, nhận thức trong mỗi giai đoạn chiến thắng hay thành công. Thông thường, để chiến thắng phải suy nghĩ bất logic, nhưng để thành công thì phải suy nghĩ logic. Tại sao như vậy? Lấy ví dụ là cuộc chiến Điện Biên phủ, 1954. Nếu suy nghĩ logic thì Việt nam yếu hơn về mọi mặt. Từ thiết bị, con người đến tài chính so với Pháp và sau này là Mỹ. Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu với nhà báo Pháp Daniel Roussel, sau 50 năm kết thúc trận chiến với nội dung rằng : Tướng NaVa, và tất cả những tướng lĩnh của Pháp đều rất giỏi, được họ đào tạo bài bản nhưng họ đều không đánh giá được sức mạnh toàn dân Việt nam và những nhà lãnh đạo của họ, và do nằm ngoài suy nghĩ logic mà họ đã được đào tạo. Nava không sai, Đờ-cát không sai mà cái sai nằm ở những người đầu tiên gây chiến. Theo tư tưởng của Hồ Chủ tịch thì: “Lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam tỏ cho ta biết rằng: Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết đấu tranh cho Tổ quốc họ thì không ai, không một lực lượng gì chiến thắng được họ”. Với hai nguyên nhân là lấy chính nghĩa để thắng gian tà, lấy trí nhân thay cường bạo và tư duy không theo logic và lối mòn mà Việt nam đã chiến thắng. Đây là bí quyết mà ai muốn chiến thắng có thể học hỏi trong mọi hoàn cảnh. Thêm vào đó, điều cần rút ra ở đây nữa là người ta chỉ có thể nói là chiến thắng hoàn cảnh, chứ không ai nói là thành công hoàn cảnh. Cho nên, chiến thắng thường đặt trong tình huống bị động và khó khăn mà chúng ta phải chiến thắng, ví dụ như chiến tranh, thiên tai, bệnh tật...Còn thành công thường đặt trong tình huống chủ động như thành công trong công việc, gia đình hay khi chinh phục một điều gì đó...Bởi vì thế, chúng ta không thể đỗ lỗi hoàn cảnh cho sự không thành công của bản thân. Vì hoàn cảnh đó chỉ có thể tác động vào việc chúng ta có chiến thắng nó hay không chứ chưa thể nói đến sự thành công. Bởi sau khi chúng ta chiến thắng được hoàn cảnh nhưng để thành công còn là một khoảng cách. Tuy nhiên, nếu ai đó không chiến thắng được hoàn cảnh thì sẽ không thành công là tất yếu, nhưng không thể đổ lỗi hoàn cảnh cho sự không thành công của mình. Cần nhìn vào bên trong chính mình để tìm ra nguyên nhân thành công hay không thành công chứ không phải là bên ngoài mình, mà hoàn cảnh là bên ngoài đó.

Kết thúc chiến thắng cũng là lúc chúng ta chiến thắng hoàn cảnh, chúng ta được là chính mình. Điều đó đem đến sự độc lập và tự do cho chúng ta. Nhưng để hạnh phúc thì còn là một chặng đường mà chúng ta đang phải khám phá, tìm kiếm và gìn giữ. Hay nói đúng hơn, hãy đi vào nội lực của mỗi dân tộc, mỗi con người khai phá những giá trị bên trong nó và biến những giá trị đó thành tài sản để được sở hữu nó và đem đến hạnh phúc cho mọi người. Thật bại là kè thù của chiến thắng nhưng không phải là kẻ thù của thành công. Kẻ thù của thành công không phải là thất bại mà chính là sự lãng phí. Bởi trong cuộc chiến với mình, không ai tự gây mất mát và hy sinh cho chính mình mà chỉ có gây ra sự lãng phí mà thôi. Xác định được kẻ thù của thành công thì chúng ta đã thành công một nữa rồi.

Không có nhận xét nào: