Micronews

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2009

TỐT GỖ KHÔNG BẰNG TỐT RỪNG

Có một nhận định sắc sảo được công ty tư vấn chiến lược InterWise phát biểu là : “Trong thời đại kinh tế cũ, nội dung là thống trị, còn trong thời đại kinh tế mới, môi trường là thống trị.” Lý giải vấn đề này như thế nào trong đời sống xã hội, kinh tế và giáo dục.
Nội dung là phần giá trị cốt lõi của vấn đề, phần tạo nên giá trị của sự vật, sự việc. Vai trò của nội dung trong thời đại kinh tế tế nông nghiệp và công nghiệp được đặt lên hàng đầu. Nó quyết định sự thành bại của một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hay quốc gia. Trong thời đại ngày nay, vai trò của nội dung vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, giá trị đó đang dần mất thế thống trị trong thời đại kinh tế mới. Mà điều tạo nên bước chuyển này chính là sức mạnh của thông tin và giá trị của thông tin. Từ việc nghĩ và làm một sự vật, sự việc tốt quan trọng nhất chuyển sang việc mức độ ảnh hưởng của sự vật, sự việc trở nên quan trọng hơn. Nếu trước đây việc “tốt gỗ” được so sánh với “tốt nước sơn” thì ngày nay “tốt gỗ” được so sánh với “tốt rừng”. Nếu tư duy cũ, chúng ta thường lấy một sự vật, sự việc được so sánh với chính sự vật, sự việc đó thì đến nay được thay thế bằng việc so sánh sự vật, sự việc đó với sự vật, sự việc khác trong những môi trường khác nhau. Nếu sức mạnh ban đầu tạo nên sự đấu tranh nội bộ để tạo nên giá trị, sau đó là sự đấu tranh với bên ngoài để tạo nên giá trị và đến nay thì đấu tranh giữa môi trường này với môi trường khác mới thực sự tạo ra giá trị.

Lý thuyết đó có thể được thực chứng bằng quá trình đấu tranh và phát triển của cá nhân, tổ chức, quốc gia trong lịch sử. Để dễ nắm bắt chúng ta lấy ví dụ từ thế kỷ 19 trở lại đây. Thế kỷ 19 là minh chứng gần nhất cho các cuộc nội chiến xảy ra trên diện rộng toàn thế giới, Châu Âu, Á, Mỹ ...và hiện nay là Châu Phi. Đến thế kỷ 20 là minh chứng cho các cuộc xâm chiếm lẫn nhau tạo ra cuộc chiến tranh giữa các Châu, mà điển hình là hai cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai mà lên cao trào là việc chia cắt Đông Tây trong chiến tranh Lạnh. Bước sang thế giới 21 sẽ không còn chia cắt Đông Tây nữa mà sẽ hình thành cuộc đấu tranh giữa các vùng môi trường khác biệt. Vùng môi trường này được hình thành do thông tin tạo ra. Gía trị địa lý sẽ dần mất đi giá trị thay vào đó là giá trị thông tin và khả năng kiểm soát trực tiếp tới từng con người cá nhân cụ thể.

Đó là xét ở mặt vĩ mô, còn đối với mặt vi mô là các doanh nghiệp và cá nhân. Sức mạnh của lý thuyết này có thể làm một con người hay doanh nghiệp từ có thành không và từ không thành có. Nếu nội dung quyết định thành bại thì có nghĩa là những người giàu có phải là những người nông dân, công nhân. Bởi họ là người tạo ra của cải thực sự. Trên thực tế họ lại là những người nghèo nhất. Vậy ai là người giàu trong cuộc sống hiện nay? Tại sao họ là người giàu? Liệu họ có thể tiếp tục giàu có không? Theo cách tư duy môi trường trở nên thống trị sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Những người giàu hiện nay đều là những người trung gian. Họ không làm ra của cải nhưng họ tạo ra môi trường để của cải được giao dịch và tăng gía trị. Họ là những người doanh nhân, luật sư, nhà báo. Những người này giúp nội dung có cơ hội cọ xát, so sánh và chọn lọc. Từ đó hình thành nên giá trị mới. Bởi thế, có thể lý giải tại sao nhiều công trình giá trị vẫn có thể nằm ở một góc trong thư viện nhưng một thông tin scandal lại kiếm hàng triệu đô. Sức mạnh không còn nằm ở nội tại mà nằm ở độ lan toả. Mà độ lan toả lại nằm ở chính những người trung gian và kiểm soát môi trường thông tin. Vậy liệu họ có phải tiếp tục giàu có và thống lĩnh trong tương lai? Trong mọi lý thuyết được phát triển đều có hai mặt. Với cách tư duy này, sẽ có mặt tốt là khuyếch trương giá trị nội tại nhưng mặt trái là tạo ra sự giả tạo bí ẩn. Sự giả tạo bí ẩn chính là nguyên nhân sụp đổ của lý thuyết đó để mở sang một lý thuyết mới phù hợp hơn.

Tại Việt nam đang ở giai đoạn đầu của nhận thức lý thuyết trên. Các doanh nghiệp nắm được môi trường là thống lĩnh chỉ chiếm một phần nhỏ trong đại đa số. Qúa trình này sẽ tiếp tục phát triển theo quy luật. Tuy nhiên, họ cần phải nắm bắt những bước chuyển của lý thuyết trên thế giới để có phương hướng đi phù hợp. Sau khủng hoảng thê giới lần này, sẽ hình thành một lý thuyết mới. Chỉ khi lý thuyết mới đó hình thành thì cuộc khủng hoảng mới hoàn toàn chấm dứt.

Không có nhận xét nào: