Micronews

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Khủng hoảng trong truyền thông- Cơ hội hay thách thức cho các doanh nghiệp?

Khủng hoảng truyền thông là những rủi ro, sự cố mà DN nào dù lớn hay nhỏ đều có thể gặp phải bất cứ lúc nào và thường diễn biến rất phức tạp, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, gây ảnh hưởng xấu cho DN trước cộng đồng và khách hàng.
 
Để giúp các DN, các nhà quản lý, điều hành có những phương sách đối phó kịp thời đưa DN vượt qua khủng hoảng truyền thông hoặc xây dựng một kế hoạch truyền thông để đối phó trước, trong và sau khi khủng hoảng, ngày 22-9-2012, tại tòa nhà TTXVN - TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi tọa đàm "Khủng hoảng trong truyền thông- Cơ hội hay thách thức?". Tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp- Nhà báo Lại Hợp Nhân và bà Lê Thúy Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Micronet đã chia sẻ kinh nghiệm với DN về chủ đề này.
 
Tham dự chương trình là hơn 50 DN trên địa bàn TPHCM, các vị khách mời và sự có mặt của các cơ quan thông tấn báo đài. Buổi tọa đàm do CLB Doanh nhân Sài Gòn tổ chức.
 
Chương trình được mở đầu với câu hỏi: Quan điểm của khách mời về Khủng hoảng trong truyền thông? Trả lời cho câu hỏi này, nhà báo Lại Hợp Nhân cho rằng: "Khủng hoảng truyền thông đã có từ lâu chứ không đợi đến thời điểm bùng nổ truyền thông trong thời gian vừa qua mới xuất hiện. Bản thân mỗi doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ít chú ý đến vấn đề này , mà chỉ khi khủng hoảng xảy ra thì mới đi xử lý hoặc cầu cứu các phương tiện truyền thông như báo chí".
..."Bên cạnh đó, một trong những lý do đối phó với khủng hoảng thường rơi vào thế bị động vì Ngân sách Marketing thường không có khoản nào dự phòng cho việc này, đây cũng là một khó khăn cho doanh nghiệp".
Trước câu hỏi: Một số doanh nghiệp Việt thường có tâm lý ngại hoạch định những phương án phòng chống rủi ro, với lý do nói “xui xẻo”?, ông Nhân chia sẻ thêm, vấn đề này nằm ngoài tâm lý cá nhân, nếu không có sự chuẩn bị các phương án hoặc các kịch bản tốt, doanh nghiệp thường rơi vào thế  lúng túng và nếu phương tiện truyền thông có vào cuộc thì cũng chưa phải là phương án tốt nhất.
Theo ông Nhân thì: "Phương tiện truyền thông cũng như báo chí chỉ là một công cụ để xử lý khủng hoảng chứ không phải là chiếc đũa thần cho doanh nghiệp dựa dẫm. Chính vì thế, việc chuẩn bị để xử lý khủng hoảng truyền thông là vô cùng cần thiết trong môi trường hiện tại".
“Nói thật” nghe đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Các vị khách mời đều cho rằng DN phải biết cách xử lý sự cố thì mới có hiệu quả tốt.
 
Với kinh nghiệm làm công tác truyền thông trên Internet, bà Lê Thúy Hạnh chia sẻ lợi ích của các mạng xã hội cũng như tính hai mặt của nó. Ở đây chỉ tập trung vào khủng hoảng của doanh nghiệp nên khủng hoảng cá nhân không nêu trong chương trình này. Bà Hạnh nhấn mạnh yếu tố chủ động thông tin trên các mạng xã hội là yếu tố đảm bảo để Doanh nghiệp có một kênh giao tiếp chủ động với khách hàng và cộng đồng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của mình.
Theo bà Hạnh, một kinh nghiệm nữa trong quá trình xử lý khủng hoảng truyền thông đó chính là xây dựng lực lượng phản ứng nhanh trong doanh nghiệp để khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp phải luôn chủ động được dòng thông tin cả bên trong lẫn bên ngoài. Trước ý kiến này, ông Nhân chia sẻ thêm:  "Lực lượng phản ứng nhanh không nhất thiết phải có mặt thường xuyên, nhưng phải là một lực lượng tinh nhuệ từ các phòng ban, bộ phận thuộc doanh nghiệp".
Bên cạnh thách thức vô cùng lớn của dòng thông tin bên ngoài doanh nghiệp, làm chủ được thông tin trong nội bộ doanh nghiệp bằng những định hướng cụ thể từ ban điều hành doanh nghiệp cũng là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình xử lý khủng hoảng, bởi nếu không điều phối được dòng thông tin này, chắc chắn doanh nghiệp sẽ rơi vào tình thế “thù trong, giặc ngoài”.
Bằng kinh nghiệm và sự từng trải của mình, Luật sư Nguyễn Tư Thúc là người khơi mào cho phần trao đổi giữa khán giả và 2 vị khách mời.
Luật sư Thúc cho rằng, cho dù khủng hoảng đến từ bất kỳ nguyên nhân nào, thì doanh nghiệp cũng đừng quên rằng họ vẫn đang có sự bảo hộ của pháp luật, mà cụ thể là Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại hay cả Luật sở hữu trí tuệ. Đây là một thông tin vô cùng hữu ích cho chính các doanh nghiệp tham dự trong chương trình.
Làm rõ thêm ý của Luật sư Thúc,  ông Nhân cho rằng: "Khi Doanh nghiệp gặp khủng hoảng thì nên cử ngay một đại diện truyền thông và gửi những thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông bằng văn bản cụ thể để các cơ quan này có sự chấn chỉnh, định hướng luồng dư luận, bởi có những thông tin không chính thức có thể làm hỏng uy tín và hình ảnh doanh nghiệp".
 
Với tình huống này, bà Hạnh chia sẻ thêm kinh nghiệm xử lý những thư nặc danh được tung lên mạng xã hội mà không thông qua một cơ quan truyền thông chính thống nào, trước mắt doanh nghiệp cần có những chứng cứ, những văn bản, biên bản làm việc hoặc băng ghi âm… và định hướng lại cho cộng đồng mạng những thông tin lệch lạc có thể làm tổn hại đến hình ảnh doanh nghiệp.
 
Bà Hạnh cũng chia sẻ rằng xử lý khủng hoảng hiệu quả nhất trong 24 giờ đầu tiên. Một số câu cần thiết phải được DN nhấn mạnh là:  “Chúng tôi nhìn nhận vấn đề này nghiêm túc”, “chúng tôi sẽ cung cấp thông tin nhanh nhất”, “chúng tôi không muốn chuyện này lặp lại”…
 
Tại buổi tọa đàm, ý kiến của doanh nhân Kiên Trì đã nhận được nhiều sự đồng tình từ phía các vị khách mời. Doanh nhân Kiên Trì coi khủng hoảng truyền thông như một cơn sốt của sự trưởng thành. Theo anh, sau cơn khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh lên rất nhiều. Trong quá trình diễn ra khủng hoảng phải dành nhiều năng lượng để giải quyết, nhưng cũng phải cân nhắc trong chuyện kiện tụng. Giải quyết khủng hoảng truyền thông cần đi theo một lộ trình cụ thể, phải khoanh vùng để biết chữa từ chỗ nào. Có như thế, DN mới có thể vượt qua cơn khủng hoảng một cách ''ngoạn mục'" được.
 
Buổi tọa đàm cũng nhận được sự chia sẻ của doanh nhân Mai Thu Huyền. Bà Huyền rất tâm đắc với ý kiến của nhà báo Lại Hợp Nhân và hy vọng những kinh nghiệm của ông Nhân sẽ giúp cho bà sớm giải quyết được những vướng mắc trong chuyện riêng của gia đình.
 
Ngoài các ý kiến của khách mời, chương trình còn nhận được sự đóng góp ý kiến của khán giả thông qua các khủng hoảng trong thời gian gần đây của ngân hàng ACB, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng của hai tập đoàn lớn trên thế giới là PEPSI và COCA-COLA tại Ấn Độ năm 2006.
 
Để khán giả hiểu thêm về các bước xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản và đạt hiệu quả cao nhất. Bà Lê Thúy Hạnh đã có những chia sẻ 7 bước xử lý khủng hoảng và 5 xu hướng khủng hoảng trong thời hiện đại. .
Trong 5 xu hướng khủng hoảng, bà Hạnh nhấn mạnh rằng:“Văn hóa SEARCH” ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp trong thời gian gần đây, bởi thông tin trên mạng không dừng lại ở một chỗ mà phát tán đi với tốc độ ánh sáng, vì thế Doanh nghiệp cần chủ động và có kế hoạch làm chủ dòng thông tin trên mạng một cách bài bản và hợp lý".
Kết thúc chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp- Nhà báo Lại Hợp Nhân đã có phần chia sẻ 19 điều nên thực hiện khi khủng hoảng xảy ra, và đây là những kinh nghiệm quý báu rất thiết thực cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Sau hơn 3 giờ đồng hồ diễn ra cuộc tọa đàm với sự chia sẻ của các nhà báo, luật sư và doanh nhân từ những câu chuyện thực tế, buổi tọa đàm thực sự là một liểu thuốc rất hiệu ích đối với doanh nghiệp . Có rất nhiều ý kiến của các vị khách mời từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng tựu trung lại doanh nghiệp nên xem khủng hoảng là một cơ hội, một điểm mốc để công chúng biết đến khả năng của doanh nghiệp nhiều hơn là mối đe dọa, đồng thời hãy biến cơ hội này thành lợi thế cho doanh nghiệp bằng một qui trình xử lý khủng hoảng chuẩn mực.
 
Buổi tọa đàm đã tạo thêm những góc nhìn, góp thêm những giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong hoạt động sản xuất thông qua những bài học thực tiễn. Tọa đàm còn là dịp giao lưu, kết nối quan hệ công việc giữa các cơ quan truyền thông, các nhà báo với doanh nghiệp; các cá nhân và đơn vị nhằm tạo các mối quan hệ mới, hợp tác và phát triển.