Micronews

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2008

Sự sụp đổ của một nền kinh tế thật sự

Cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng có xu hướng tồi tệ hơn với khả năng hệ thống thanh toán quốc tế sẽ bị gián đoạn. Nó ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế thế giới và mức độ còn nghiêm trọng hơn cả thời kỳ Đại suy thoái.

Nền kinh tế xuống dốc sẽ mang lại lợi ích cho đối tượng nào? (Ảnh: Corbis)


Những đề xuất của giới ngân hàng về một chương trình “cứu trợ” với cái tên Chương trình giải trừ những tài sản xấu (TARP) không phải là một “giải pháp” cho cuộc khủng hoảng mà còn là một “nguyên nhân” của một cuộc sụp đổ lớn hơn nữa.

TARP khiến cuộc khủng hoảng lún sâu hơn. (Ảnh: Corbis)

Những kế hoạch “giải cứu” góp phần vào việc kéo dài hơn tiến trình bất ổn định cấu trúc tài chính. Nó chuyển một lượng lớn tiền đóng thuế của người dân vào tay các tổ chức tài chính tư nhân, khiến các món nợ công thay đổi liên tục và tập trung quyền lực vào ngân hàng.

Chưa hết, số tiền cứu trợ được các tập đoàn tài chính sử dụng để đảm bảo việc thâu tóm những tập đoàn khác cả trong lĩnh vực tài chính và cả nền kinh tế.

Cung vượt cầu

Nền kinh tế thật sự đang trong khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp đang ngày một tăng dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về tiêu dùng của người dân, cũng như các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Với những chính sách kinh tế vĩ mô mới, cuộc khủng hoảng ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn khi cung vượt quá cầu.

Các công ty kinh doanh không thể bán sản phẩm bởi phải cắt giảm chi phí lao động, nghĩa là nhân viên bị sa thải và hoạt động sản xuất bị ngưng trệ. Với lợi nhuận “còm cõi” của mình, họ không có đủ khả năng tiếp tục sản xuất.

Số lượng hàng hoá tồn kho ngày càng lớn. Nền sản xuất theo đó sụp đổ, việc cung cấp hàng hoá giảm do hàng loạt các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp buộc bị đóng cửa.

Do các nhà máy đóng cửa, thêm nhiều công nhân bị thất nghiệp, từ đó dẫn đến tình trạng nghèo đói và sự sụt giảm về tiêu chuẩn sống trên phạm vi toàn thế giới.

Đó là hệ quả của một nền kinh tế lao động rẻ mạt đang suy yếu, được coi là đặc điểm chủ yếu ở các nhà máy có chi phí lao động thấp ở những nước thuộc thế giới thứ 3. Cuộc khủng hoảng thậm chí dẫn tới sự bần cùng hoá ở đại đa số các bộ phận dân cư ở những nước được gọi là phát triển (bao gồm cả những tầng lớp trung lưu).

Ở Mỹ, Canada và các nước phương Tây, toàn bộ khu vực công nghiệp đang “ngàn cân treo sợi tóc”.

Nước Mỹ đang phải đối mặt với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tài chính. Trước đó, bắt đầu từ những năm 1980 - nước Mỹ vận hành theo chủ nghĩa Reagan - Thatcher, các công ty khu vực và địa phương, trang trại gia đình và doanh nghiệp nhỏ đã bị thay thế và phá sản.

Ngược lại, sự bùng nổ của các cuộc thâu tóm và sáp nhập những năm 1990 đã dẫn đến một sự hợp nhất và cho ra đời các tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Sự đổ vỡ các tập đoàn tài chính

Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển gần đây, việc tập trung quyền lực vào ngân hàng không có lợi cho những tập đoàn lớn.

Điều nhận thấy dễ dàng ở trong giai đoạn đặc biệt của cuộc khủng hoảng đó là khả năng các tập đoàn tài chính lớn (thông qua việc kiểm soát tín dụng của mình) không chỉ tàn phá nền sản xuất hàng hoá và các dịch vụ mà còn làm suy yếu và phá huỷ sự tồn tại của các tập đoàn kinh tế lớn của một nền kinh tế thật sự.

Sự đổ vỡ của các tập đoàn tài chính lớn đe dọa tới sự ổn định của nền kinh tế thật sự. (Ảnh: Corbis)

Không chỉ ở riêng lĩnh vực bất động sản và công nghiệp xây dựng, những nạn nhân của một cuộc đại khủng hoảng bất động sản, việc các công ty tuyên bố phá sản và những công ty ngấp nghé bờ vực phá sản có mặt ở tất cả mọi lĩnh vực chính của nền kinh tế như chế tạo, điện tử viễn thông, hàng không, du lịch…

Lấy đơn cử ví dụ từ nền kinh tế hàng đầu thế giới: Mỹ. Theo số liệu mới nhất, một trong ba đại gia sản xuất xe hơi của Mỹ, General Motors giảm 5.500 việc làm, thay vì 3.600 như đã tuyên bố trước đó. Giá cổ phiếu GM rớt 22,9%, mức thấp nhất kể từ 60 năm qua.

Theo số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ công bố tháng 11, chỉ trong tháng 10, đã có thêm 240.000 người mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 6,1% tháng 9 lên 6,5% trong tháng 10. Tính từ đầu năm đến nay, Mỹ có thêm 1,2 triệu người mất việc.

Một vài trong số những công ty đang trên bờ vực phá sản là những tập đoàn có doanh thu và lợi nhuận khá cao. Câu hỏi quan trọng là: ai sẽ trở thành chủ sở hữu của các tập đoàn ấy nếu chúng bị phá sản?

Phá sản và tịch thu tài sản để thế nợ là một hoạt động quay vòng vốn. Việc cổ phiếu trên thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm, rớt giá, ngay lập tức ảnh hưởng tới khả năng thanh toán nợ, vay và thương lượng lại các món nợ của những công ty này.

Những kẻ đầu cơ, quĩ đầu cơ đều thu được lợi từ những vụ sụp đổ. Họ khơi mào cho sự sụp đổ của những công ty đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán bằng cách bán khống và các hoạt động đầu cơ khác.

Một khi giới tài chính hợp nhất được vị trí của mình trong nền công nghiệp ngân hàng, các tập đoàn tài chính trong đó có cả JP Morgan Chase, Bank of America… sẽ sử dụng số tiền lãi từ trên trời rơi xuống mà họ thu được và số tiền cứu trợ thông qua TARP để mở rộng quyền kiểm soát của họ đối với nền kinh tế thật sự.

Bước tiếp theo sẽ là bao gồm việc chuyển đổi các tài sản có tính thanh khoản, cụ thể là tài sản trên giấy tờ (cổ phần) thành một cuộc thâu tóm các tài sản của nền kinh tế thật sự.

Có thể lấy ví dụ về trường hợp của nhà tỉ phú Warren Buffett. Ông là cổ đông chính của General Motors. Gần đây, khi thị trường cổ phiếu giảm trong tháng 10 và tháng 11, Buffett đã nâng số cổ phần của ông ở tập đoàn ConocoPhillips, bỏ qua mục tiêu Eaton Corp khi giá cổ phiếu của tập đoàn này trên thị trường chứng khoán NYSE giảm 62% so với giá trị cổ phiếu thời điểm tháng 12/2007.

Mục tiêu của những cuộc sáp nhập là một loạt những công ty trong ngành nghề dịch vụ và công nghiệp có doanh thu cao đang trên bờ vực phá sản hoặc cổ phiếu mất giá.

Chủ nhân của một nền kinh tế thật sự

Kết quả của những biến chuyển liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng tài chính nêu trên, là cấu trúc sở hữu tài sản của toàn bộ nền kinh tế thật sự suy yếu và lung lay.

Những tài sản trên giấy tờ được tích luỹ thông qua sự vận động thị trường chứng khoán được dùng để dành được quyền kiểm soát các tài sản của một nền kinh tế thật sự, thay thế cấu trúc sở hữu đang bị lung lay.

Những gì mà chúng ta đang phải đối mặt là một mối quan hệ không lấy gì là tốt đẹp giữa một nền kinh tế thật sự và ngành tài chính.

Khối tài chính không tạo ra được hàng hoá. Về cơ bản, họ chỉ có thể tạo ra tiền thông qua việc kiểm soát những giao dịch tài chính. Họ sử dụng những tiến trình giao dịch để thâu tóm những tập đoàn làm ăn chân chính của nền kinh tế thật sự - là những tập đoàn sản xuất ra hàng hoá và những dịch vụ phục vụ cho tiêu dùng dân dụng.

Thật chua xót là, những người sở hữu mới của nền công nghiệp là những kẻ đầu cơ. Họ trở thành người nắm giữ và kiểm soát nền kinh tế, thay thế không chỉ cấu trúc sở hữu đang yếu kém mà còn có quyền năng sắp xếp người quản lý các tập đoàn kinh tế lớn.

Emarketing.vn:Mai Trang-Vietnamnet (theo AxisofLogic)

Thế giới cong: Những hiểm nguy đang che giấu

Khi đưa ra khái niệm "thế giới phẳng", Thomas Friedman nhấn mạnh những hệ quả kinh tế tốt đẹp của toàn cầu hoá và viễn ảnh của một nền kinh tế mới của thế kỷ 21.

Đó là một nền kinh tế đang được san phẳng và trong đó một sân chơi toàn cầu đang trở nên công bằng hơn giữa các nước giàu nghèo, cùng với sự giảm đi ảnh hưởng của những nước kỹ nghệ tiên tiến, nhất là Mỹ.

Trái đất ngày càng lồi lõm

Thomas Friedman đã không nêu ra những hệ quả ít tốt đẹp hơn của toàn cầu hoá. Từ năm 2007, những dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản và hệ thống tiền cho vay (subprimes) ở Mỹ đã hiện ra. Trong cuộc tranh luận giữa các chuyên gia kinh tế về nguyên nhân và hậu quả của sự phá sản của người mượn tiền mua nhà ở Mỹ trong mùa hè 2008, cuốn sách của David Smick có tựa "Thế giới lồi lõm. Những nguy hiểm che khuất cho nền kinh tế toàn cầu", với một tiểu tựa "Khủng hoảng vay bất động sản chỉ là điểm khởi đầu" , phát hành đúng lúc vào đầu tháng 9.2008, đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của người đọc.

Smick - một cố vấn tài chính ở Washington - đã ghi nhận những hậu quả trái ngược trong nền kinh tế toàn cầu hoá: Sự phát triển nhanh chóng với hàng triệu người ở các nước đang phát triển thoát khỏi cảnh nghèo đói, nhưng cùng lúc hàng triệu công nhân ở các nước phát triển bị thất nghiệp. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra cho thấy sự mong manh của kinh tế thế giới với một sân chơi hoàn toàn không phẳng và đầy cạm bẫy.

Smick đã phân tích chi tiết sự phát triển của thị trường tài chính trong những thập niên 1960-1990, và đặc biệt những cách làm ăn dối trá của các ngân hàng đầu tư và các quỹ đầu cơ (hedge fund) ở Mỹ trong thập kỷ vừa qua. Việc không ai kiểm soát được hoạt động của các công ty tài chính, ngân hàng, là mấu chốt của vấn đề! Không kiểm soát được vì không phải thiếu luật lệ, mà vì chính quyền Mỹ hiện nay không muốn làm, không can thiệp vào thị trường, để thị trường tự điều tiết.

Theo Smick, chúng ta đang sống trong một thế giới mà hàng ngàn tỉ USD có thể di chuyển trong vài giây, và số tiền khổng lồ đó nằm trong tay một số nhỏ người buôn bán, mỗi ngày đánh cá với lợi nhuận và rủi ro (với tất cả giới hạn của con người nói chung). Vì thế, cuộc khủng hoảng tài chính lần này ít nhất cũng trầm trọng hơn cách đây 80 năm.

Cải tổ lại kiến trúc hệ thống tài chính

Nói chung hệ thống tài chính thế giới hiện nay đang ở trong một thế giới ảo, dù có đổ tiền bao nhiêu vào (như 700 tỉ USD ở Mỹ, hơn 560 tỉ USD ở Trung Quốc,...) có thể cũng không dẫn đến những thay đổi cần thiết. Theo Smick cần phải cải tổ cả hệ thống kiến trúc cơ bản của tài chính thế giới. Cải tổ như thế nào? Dưới cái nhìn của một chuyên gia Mỹ, Smick cho rằng muốn giải quyết phải có một giới lãnh đạo toàn cầu có đủ bản lĩnh trả lời các câu hỏi sau: Đến mức độ nào sức mạnh của thị trường tài chính có thể chấp nhận được, và có thể nào giữ mãi một mô hình phát triển trong đó một số nước (như Trung Quốc) tích luỹ lượng hàng sản xuất khổng lồ và đổ vào nước Mỹ?

Hai tháng sau cuộc khủng hoảng tài chính dẫn đến trì trệ kinh tế, hầu như mọi người, kể cả nhưng người theo chủ nghĩa tân tự do cực đoan nhất, cũng đồng ý là phải tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tài chính thế giới, và cần phải tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư, mậu dịch...

Nhưng tổ chức lại như thế nào đây? Những tranh luận tại hội nghi thượng đỉnh G20 vừa qua ở thủ đô Mỹ, cho thấy sự khó khăn của công việc này. Mỹ và nhiều nước khác cho rằng bộ máy kinh tế thị trường hiện nay "cơ bản là tốt", nên không cần phải thay đổi gì nhiều và chỉ cần tăng "dầu mỡ" bằng các cơ chế quốc tế kiểm soát để chạy tốt hơn. Quan điểm khác cho rằng sau mấy trăm năm, chủ nghĩa tư bản đã già cỗi, cạn ý, không còn phù hợp với thế kỷ 21, nên cần phải xây dựng lại chủ nghĩa tư bản từ tận gốc rễ. Vì trái đất ngày càng "lồi lõm", không dễ sớm chiều đi đến sự đồng thuận nào đó.

Nhìn chung, dù có những chương chưa thật sự thuyết phục và luôn có cái nhìn của một chuyên gia Mỹ, cuốn sách của David Smick: "The World is Curved: Hidden Dangers to the Global Economy" với nhiều thông tin và phân tích cơ bản, là cuốn sách nên đọc (đã được dịch ra tiếng Việt), cho những ai muốn hiểu những chuyển biến nhanh chóng đang diễn ra trong thị trường tài chính thế giới, và đang tác động mạnh mẽ đến đời sống của mỗi người chúng ta.

Economy.com.vn:Nguyễn Minh Thọ, GS, Trường Đại học Leuven - Bỉ (Lao Động cuối tuần Online)

Ngắm nhìn vẻ đẹp của khách sạn Taj Manhal Place Mumbai




Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Tiếp thị hình ảnh Việt Nam bằng Resort


(Thứ Ba, 04/11/2008 - 5:41 PM)

Trong năm 2008, bằng nỗ lực tổ chức thành công sự kiện cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, hình ảnh đất nước Việt Nam đang được biết đến là mảnh đất hòa bình, thân thiện và cao cấp. Đóng góp không nhỏ cho sự thành công đó, phải kể đến ngành Du lịch, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng cao cấp (Resort).

Resort là một khái niệm ngày càng trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Những năm qua, Resort là nơi diễn ra các hội nghị lớn, các cuộc thi sắc đẹp tầm quốc gia và quốc tế. Resort là nơi nghỉ dưỡng cao cấp thường gắn với thiên nhiên và phong cảnh đẹp, được thiết kế hoàn hảo và dịch vụ chuyên nghiệp. Resort là nơi lui tới của những người thành đạt thưởng thức và khám phá cuộc sống thượng lưu. Resort cũng là nơi để một đất nước thể hiện bản sắc và tầm vóc của mình...

Với lợi thế bờ biển dài và đẹp, nằm ở vị trí trung tâm trong khu vực Đông Nam á và châu Á, Việt Nam có khả năng to lớn để phát triển ngành du lịch biển và có thể trở thành mảnh đất trù phú cho các khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất khu vực.

Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 200 khu resort và rất nhiều dự án lớn đang được triển khai. Trong đó, có những khu resort cao cấp 5 sao, do các tập đoàn lớn đầu tư và quản lý như Hideaway Ninh Van Bay, Evason Ana Mandara Nha Trang, Evason Ana Mandara Đà Lạt, Hideaway Con Dao (tập đoàn Six Senses), Furama Đà Nẵng (tập đoàn Furama), The Nam Hai (tập đoàn GMH); Life Heritage Resort Hội An, Life Wellness Resort Quy Nhơn và Blue Ocean Resort Phan Thiết...

Trong những năm qua, các khu resort của Việt Nam đã nhận được rất nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước.

Furama Resort Đà Nẵng đã đạt được nhiều giải thưởng như: Khu nghỉ mát tốt nhất châu Á năm 2000 (Tạp chí Epicurean USA), Top Ten khách sạn châu Á năm 2001 (International Award for Tourist), Best Dream Hotel in Asia 2002 (tạp chí Esquire Hong Kong), khu nghỉ mát tốt nhất 5 năm liền (2000–2005) của Tạp chí Vietnam Economic Times và The Guide... Ngày 31/1/2006, ông Thorsten Buehmann, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Tổ chức đánh giá tín nhiệm ngành du lịch “Seven Stars and Stripes” (trụ sở tại New York, Mỹ) đã chính thức trao giải thưởng dịch vụ tốt nhất cho Furama Resort Đà Nẵng.

Life Wellness Resort Quy Nhơn được tặng danh hiệu Khu spa tiêu biểu trong năm (Spa Retreat of the Year) vào năm 2007 của tạp chí Asia Spa, và Điểm đến có khu spa tốt nhất (Best Destination Spa) trong lễ trao giải thưởng SpaAsia Crystal năm 2006. Ngoài ra, Life Wellness Resort Quy Nhơn còn được báo Vietnam Economic Times trao giải thưởng Khu resort có phương pháp chăm sóc sức khỏe tốt nhất tại Việt Nam 2004 và 2005.

Sun Spa Resort đã dành được Giải thưởng “Excellent Services 2005” do Tạp chí The Guide bình chọn. Ana Mandara Resort (Nha Trang) nằm trong 12 resort tốt nhất thế giới thì được tạp chí du lịch nổi tiếng khu vực Bắc Mỹ là Condé Nast Traveller, xếp thứ 3 trong những resort tốt nhất khu vực châu Á năm 2004.

Tháng 2/2008 tạp chí TravelP + Leisure (Mỹ) đã dành cho khu Resort Nam Hải tại Hội An thuộc tập đoàn GMH nổi tiếng thế giới giải thưởng công trình du lịch có thiết kế đẹp của năm. Ngày 14/10/2008 vừa qua, The Nam Hai Hội An lại giành thêm giải thưởng khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á do tập đoàn truyền thông TTG Asia trao tặng.

Resort Việt Nam đã được xếp hạng cùng các khách sạn và khu nghỉ mát như Grand Hotel Europe (Orient Express), St. Petersburg (Nga); Ritz Carlton, Philadenphia (USA); Grand Hotel Parco dei Principi (Italy); Emirates Palace, Abu Dhabi (UAE)...

Qua cổng thông tin điện tử Resort.com.vn, chúng ta còn biết đến hàng trăm khu resort cao cấp khác như Romana, PalmGarden, Vinpearl Land, Sunrise Catba, Tuần Châu, Vạn Chài Sầm Sơn, Bãi Lữ Nghệ An,… Đây là trang web đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu toàn bộ thế giới resort phong phú và rất đáng tự hào, qua đó du khách có thể tìm kiếm, lựa chọn khu resort thích hợp vàbooking trực tuyến.

Resort là nơi hội tụ của tinh hoa và sự sáng tạo, nơi thể hiện tinh thần thân thiện và hội nhập của con người Việt Nam. Với hình thức quảng bá hiện đại và hệ thống trên Internet, hy vọng rằng sẽ có nhiều du khách tìm đến Việt Nam như một nơi du lịch nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới.

Lê Hạnh - Theo Tờ Thế giới và Việt nam

http://www.tgvn.com.vn/printContent.aspx?ID=3820

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

Nhờ Internet, Obama có vị thế chính trị độc lập hơn

Biết tận dụng Internet để tự "rao bán" mình, Obama đã tạo nên vị thế độc lập hơn, giảm sức ép từ các nhóm lợi ích. Vai trò của đảng phái và báo giới trong bầu cử Mỹ đang được tái định vị và sẽ mờ nhạt đi. Một xu hướng mới cho bầu cử Mỹ đã bắt đầu với vị Tổng thống vừa đắc cử - ông Tom Fiedler, Hiệu trưởng trường Truyền thông, ĐH Boston (Mỹ) nhận định.



Ông Tom Fiedler và TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn trong cuộc giao lưu
trực tuyến ngày 10/11 (Ảnh: Lê Anh Dũng)


Vai trò của đảng phái và truyền thông truyền thống đang mờ đi

- Nhìn lại con đường của ông Obama, khởi đầu nan nhưng đã chiến thắng, không chỉ trước John McCain mà ngay trong đảng Dân chủ, ông Obama cũng đã thể hiện một tư duy tranh cử rất mới. Ông có thể phân tích những điểm đặc biệt nhất trong chiến dịch tranh cử của Obama?

Sự khác biệt ấy thể hiện trong một từ thôi: Internet. Ông Obama đã có một chiến dịch tranh cử không giống với bất cứ một chiến dịch tranh cử nào trước đây, và chỉ ra rằng các chiến dịch tranh cử từ nay về sau sẽ giống hệt như vậy.

10-15 năm trước đây, nếu bạn là một ứng cử viên Tổng thống, bạn phải có hai điều: sự ủng hộ trong đảng, vì các chính đảng lúc đó còn rất mạnh, họ quyết định ai sẽ là ứng cử viên và cung cấp tiền cho người đó tranh cử; và sự ủng hộ của giới truyền thông, vì các ứng cử viên phải nói chuyện với cử tri thông qua các phương tiện truyền thông. Một ứng cử viên thành công là khi họ có các đoạn phim quảng cáo được nhiều người xem, và được truyền thông hỗ trợ trong việc truyền tải thông điệp. Truyền thông ở đây chính là các mạng lưới truyền hình và các tờ báo in lớn.

Nhưng Obama đã chỉ ra rằng bạn không nhất thiết phải có 2 thứ đó. Tiền ông có được để tranh cử không có đồng nào là của đảng Dân chủ huy động cho. Ông ấy đã bỏ qua đảng Dân chủ để gây quỹ bằng những khoản đóng góp nhỏ từ hàng triệu người gửi trực tiếp đến cho ông thông qua Internet. Ông cũng không cần truyền thông hậu thuẫn mà tìm trực tiếp đến cử tri của mình thông qua Internet.

"Nếu bạn muốn biết ngay khi tất cả mọi người cùng biết ai sẽ là ứng cử viên Phó Tổng thống của tôi, bạn không cần một buổi họp báo, hãy gửi đến chiến dịch tranh cử của tôi số di động của bạn và bạn sẽ nhận được tin nhắn thông báo ngay lập tức không chậm chễ hơn bất cứ ai." Mọi người đều gửi số di động của họ. Obama đã có mối liên hệ trực tiếp với cử tri...

Nhưng điều thông minh nhất mà tôi thấy ông Obama đã làm, đó là khi ông dự định tuyên bố chọn Joe Biden làm người liên danh tranh cử, ông thông báo đến mọi người rằng ông sẽ công bố thông tin này qua tin nhắn điện thoại: Nếu bạn muốn biết ngay khi tất cả mọi người cùng biết ai sẽ là ứng cử viên Phó Tổng thống của tôi, bạn không cần một buổi họp báo, hãy gửi đến chiến dịch tranh cử của tôi số di động của bạn và bạn sẽ nhận được tin nhắn thông báo ngay lập tức không chậm chễ hơn bất cứ ai. Mọi người đều gửi số di động của họ.

Và thế là chẳng cần giới truyền thông, ông ấy đã có số di động để liên hệ trực tiếp với hàng triệu cử tri. Và điều đó giống như là Obama cầm máy lên và gọi thẳng cho bạn vậy. Bạn không cần bất cứ ai nói cho bạn biết ông ấy thông báo gì, bạn nhận được thông tin trực tiếp qua tin nhắn điện thoại. Nhờ vậy Obama đã có một cơ sở dữ liệu khổng lồ về số điện thoại di động của cử tri đế liên hệ trực tiếp không cần qua bất cứ phương tiện truyền thông nào.

Và thế là trong cuộc bầu cử này, vai trò của chính đảng đã giảm đi rất nhiều, và vai trò của các loại hình truyền thông truyền thống cũng giảm đi nhiều. Internet đã đem lại lợi thế vô cùng to lớn cho ứng cử viên biết tận dụng nó.

Internet cũng giúp ông ấy liên hệ trực tiếp với những người trẻ tuổi, những người không đọc báo, không xem TV, mà chỉ suốt ngày ở trên Internet, họ có những cộng đồng ảo như MySpace, Facebook và trò chuyện với nhau bằng tin nhắn. Obama đã đến với họ bằng điện thoại di động, bằng Internet và những người trẻ tuổi đã đi bầu nhiều hơn bất cứ cuộc bầu cử nào trước đây.

Internet đã thay đổi tất cả và Obama đã chứng minh đó là cách chiến thắng trong một cuộc bầu cử. Và khi đó chính đảng phải xem lại vai trò của mình, họ sẽ làm thế nào trong tương lai?

- Điều có có nghĩa là những điều ông viết trong nghiên cứu của mình về vai trò của Internet trong bầu cử Tổng thống ở Trung tâm Shorenstein năm ngoái giờ đã thành hiện thực?

Ông Obama sẽ có sự độc lập hơn trong các lựa chọn mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhóm lợi ích. (Ảnh: Corbis)

Tôi đã viết về vai trò của Internet trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, nhưng càng về sau điều đó càng rõ ràng trong cuộc tổng tuyển cử. Tôi tin rằng, xu hướng đó sẽ tiếp tục từ nay về sau.

Các ứng cử viên Tổng thống trong tương lai sẽ không thể tranh cử theo cách cũ như Bill Clinton đã làm năm 1996 trước khi có Internet. Họ cũng không thể tiếp tục phụ thuộc vào các chính đảng và các phương tiện truyền thông truyền thống. Sự giao tiếp giờ đây phải diễn ra trên Internet.

Obama sẽ độc lập hơn với các nhóm lợi ích

- Giờ đây, khi mà ông Obama có thể độc lập với đảng Dân chủ, những chính sách của ông ấy sau này cũng có thể độc lập. Nhưng trong chính trường Mỹ luôn có những nhóm lợi ích có khả năng tác động đến các chính sách, như các tập đoàn lớn bỏ hàng đống tiền để vận động hành lang, không chỉ với chính phủ mà cả Thượng viện và Hạ viện. Hiện trạng này liệu có thể thay đổi dưới thời của ông Obama?

Chắc chắn điều này sẽ thay đổi. Vận động hành lang chỉ có tác dụng khi các tập đoàn lớn đóng góp nhiều tiền cho chính đáng để chi phí cho ứng cử viên. Nhưng Obama lại gây quỹ qua Internet, nghĩa là chẳng có tập đoàn nào ký cho ông ấy một tấm séc to tướng cả, mà là hàng nghìn hàng triệu người dân đóng góp cho ông ấy những khoản tiền nhỏ. Và số đông đó có ảnh hưởng hơn bất cứ chiều vận động hành lang nào.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Đó chính là một hình thức kinh doanh mới, “B to C – Business to Customer”, chứ không phải “B to B - Business to Business”. Tức là trước đây các Đảng giới thiệu nguồn lực tài chính cho ứng viên, kiểu Business to Business. Còn ngày nay, Obama chọn Business to Customer, tiếp cận trực tiếp với các cử tri, gây quỹ trực tiếp từ cử tri.

- Chính xác đó là việc ông ấy đã làm. Để nói về cách làm này là một câu chuyện dài, nhưng có thể thấy rằng ông có những khoản tiền nhỏ từ lượng khổng lồ những người đóng góp thay vì những khoản đóng góp khổng lồ từ một số ít người. Do đó, ông sẽ có xu hướng độc lập hơn, không ai có thể đến gặp ông và nói: ông phải làm như thế này, nếu không chúng tôi sẽ làm tổn thương sự nghiệp chính trị của ông. Ông sẽ có sự độc lập hơn trong các lựa chọn mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhóm này. Đó cũng là điều mọi người trông đợi.

Nội các mới lưỡng đảng và giàu kinh nghiệm

- Liệu nội các của tân Tổng thống sẽ được định hình ra sao. Ai là người được Obama lựa chọn, khi mà ông có vị trí độc lập tương đối so với đảng của mình?

- Tôi không thể nói chính xác ai sẽ nắm giữ vị trí nào trong nội các mới, nhưng sẽ là công bằng nếu nói, nhìn vào danh sách các cố vấn trong cuộc vận động tranh cử, những người mà Obama đánh giá cao, chúng ta có thể nhìn thấy được nội các tương lai.

Người phụ trách nhóm vận động tranh cử của Obama, nghị sỹ Rahm Emanuel từ bang Illinois, người được Obama xem là đồng sự, đã từng là cố vấn cấp cao của Tổng thống Bill Clinton ở Nhà Trắng. Ông Rahm Emanuel mang đến những kinh nghiệm ở mức độ mà bản thân Obama thừa nhận là mình không có được. Theo quan sát của tôi, Obama sẽ có xu hướng tìm đến những người nhiều kinh nghiệm như vậy để hỗ trợ cho mình.

TNS Joe Biden, "phó tướng" của Obama chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đáng kể trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong vấn đề đối ngoại. Joe Biden hiện là Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Thượng viện và được xem là chuyên gia hàng đầu của Mỹ về quan hệ quốc tế, do đó, cùng với Ngoại trưởng, ông Joe Biden sẽ đóng vai trò tích cực trong xử lý các vấn đề đối ngoại, có các cuộc thảo luận, đối thoại quốc tế.

Ông Barack Obama cũng sẽ cố gắng có những người tham gia nội các là thành viên của đảng Cộng hoà hoặc các nhân vật độc lập. Ông có thể đưa ra một thông điệp rằng ông không phải là con người của đảng phái, tôi muốn có những người thực sự là tốt nhất để cố vấn cho tôi về những vấn đề chính trị có thể giải quyết tốt nhất.

Ông Obama sẽ có sự độc lập hơn các lựa chọn mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi các nhóm lợi ích.

Và điều này đang diễn ra trên thực tế. Nhìn vào những người mà ông Obama gặp gỡ, trò chuyện, rõ ràng yếu tố đảng phái, hệ tư tưởng không nằm trong danh sách các vấn đề được đặt ra.

Truyền hình là bán buôn, còn Internet là bán lẻ

- Internet đã làm thay đổi nhiều thứ, và Obama đã đạt được nhiều từ Internet, như huy động được nguồn ngân sách khổng lồ, nhận được sự hỗ trợ rộng rãi từ những cử tri sử dụng Internet, giống như là quan hệ khách hàng của một DN. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, điều khá thú vị là sau huy động được nguồn tiền lớn từ Internet, phần lớn nguồn quỹ của Obama lại đổ vào cho các báo chí truyền thống: truyền hình và báo in. Ông nghĩ sao?

Nó cũng giống như là sự khác biệt của các hoạt động bán lẻ và bán buôn. Bán buôn thì bạn bán sản phẩm cho những nhà phân phối, những thứ có khi chưa hẳn đã cần thiết cho công chúng còn bán lẻ thì bạn chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Khách hàng sử dụng sản phẩm bao giờ cũng tìm đến người bán lẻ chứ không phải tìm người bán buôn để mua hàng.

TV muốn có bán buôn qua các quảng cáo, Obama muốn đưa các thông điệp qua các kênh truyền hình. Tuy nhiên, họ không kết thúc quá trình bán hàng. Quá trình bán hàng kết thúc với hoạt động bán lẻ, thông qua Internet, từng người một. Bạn là khách hàng mua lẻ, bạn lên Internet và kiểm soát việc thông tin nào bạn muốn tiếp cận và nếu bạn muốn đóng góp quỹ vận động tranh cử, bạn cũng là người kiểm soát hành động này. Đó chính là địa bàn của hoạt động bán lẻ. Ứng viên cần cả hai loại hình thành này.

Họ vừa cần có những dòng tin, những bài viết, những quảng cáo trên các chương trình truyền hình, các báo in danh tiếng, nhưng đồng thời, cũng cần kết thúc quy trình bán hàng với internet. Và chi phí cho truyền hình bao giờ cũng đắt hơn vì công nghệ quy định như thế.

- Trong tương lai, liệu Internet có đóng một vai trò lớn hơn?

Chắc chắn là như vậy.

- Liệu có một ngày nào đó, chi phí các ứng viên dành cho Internet và truyền hình tương đương nhau?

Tôi không nghĩ có sự ngang bằng ở đây. Bạn không bao giờ cần chi trả một khoản lớn như vậy để tạo sự kết nối toàn cầu thông qua Internet.

Theo kinh nghiệm làm báo của tôi, nếu bạn bán sản phẩm điện thoại di động và bạn muốn có không gian dành cho quảng cáo sản phẩm đó trên báo in và trên trang điện tử của tờ báo, bạn sẽ phải chi 12 USD cho báo giấy trong khi chỉ 1 USD cho quảng cáo trên sản phẩm điện tử với cùng một yêu cầu. Quảng cáo trực tuyến bao giờ cũng rẻ hơn. Do đó, bao giờ ứng viên cũng tốn khoản kinh phí lớn hơn cho báo chí truyền thống để tạo ảnh hưởng.

- Với mức phí rẻ hơn nhiều như vậy, làm sao các tờ báo trực tuyến tồn tại?

Họ không cần một khoản quá lớn để tồn tại. Báo điện tử và báo giấy cùng có tòa soạn với các phóng viên cần được trả lương. Tuy nhiên, báo giấy cần có những người điều hành hoạt động của máy in, mua giấy, mực, xe tải chuyên chở khắp các thành phố để đưa báo, và dĩ nhiên các xe này tiêu tốn năng lượng và bạn phải bỏ tiền chi trả. Với báo điện tử, bạn chỉ cần phòng tin và một số kỹ thuật điều hành, nghĩa là bạn sẽ không tiêu tốn quá nhiều để tạo nên cùng một lượng sản phẩm báo chí.

- Vậy các tờ tin điện tử phải xử lý ra sao với bài toán ngân quỹ của mình để có được những hợp đồng quảng cáo?

Hơn 10 năm trước, bạn phải chi hầu hết tiền cho truyền hình, một số rất ít cho báo giấy, và do chưa có Internet, bạn không phải tiêu tốn đồng nào cho nó. Vào thời điểm này, có thể bạn vẫn chi từng đó cho truyền hình và báo in, nhưng bạn vẫn cần Internet, không chỉ để quảng cáo mà còn là công cụ để kết nối, tìm và xác định tin tức... Số tiền bạn chi cho Internet, trực tiếp hoặc gián tiếp, chắc chắn sẽ tăng. Khi tiêu dùng cho Internet tăng, doanh thu của bạn cũng sẽ cải thiện rất nhanh.

Quan hệ giữa Tổng thống và báo chí thay đổi

Say sưa trao đổi, tranh luận...
(Hình ảnh trong cuộc bàn tròn trực tuyến ngày 10/11 tại VietNamNet)
Ảnh: Lê Anh Dũng


- Là người đã rất thành công trong việc sử dụng Internet trong quá trình tranh cử, theo ông, liệu ông Obama có tiếp tục xu hướng này trong thời gian cầm quyền và nếu có, cách thức triển khai sẽ như thế nào?

Ông ấy sẽ xây dựng trên những nền tảng sẵn có. Tôi đã đề cập trước đó về cách ông ấy thu thập tất cả các số di động khi ông tuyên bố sẽ gửi tin nhắn để thông báo về ứng viên liên danh cùng ông tham gia tranh cử Tổng thống.

Và bây giờ ông ấy vẫn có những số điện thoại đó và ông sẽ sử dụng công cụ đó để lôi kéo mọi người "can dự" cùng ông ấy và kết nối trực tiếp với người Mỹ khi ông có bất kỳ một chính sách mới nào. Có thể khi tuyên bố triển khai một chính sách, thay vì tổ chức họp báo hoặc tiếp xúc ở trung tâm báo chí của Nhà Trắng, ông sẽ gửi tin nhắn điện thoại. Cách truyền thông trực tiếp giữa Tổng thống và người dân sẽ là điểm thú vị trong thời gian tới.

Câu hỏi đặt ra là vị trí nào dành cho báo chí? Liệu báo chí có trở thành kẻ ngoài cuộc trong những tuyên bố chính sách hoặc bất kỳ cáo buộc nào về chính sách? Báo chí sẽ phải tìm cách để thu hút được sự quan tâm của tân Tổng thống và người dân Mỹ.

10 năm trước, Tổng thống phải thông qua báo chí để tiếp cận được với cử tri. Tổng thống không có vị trí bình đẳng trước báo chí, vì họ có thể có quyền lựa chọn đưa tin hoặc không đưa tin và Tổng thống theo cách nào đó bị phụ thuộc. Ngày nay, mối quan hệ này đã khác.

- Nghĩa là ông Obama không chỉ thay đổi truyền thông nước Mỹ mà có thể ông còn làm thay đổi cả cách thức quản lý, cách thức điều hành kinh doanh ví dụ ông có thể đến trường Kinh doanh Harvard, ông có thể xem xét lại những lí thuyết về quản lý, kinh doanh qua nghiên cứu chiến dịch tranh cử của Obama với việc tận dụng Internet?

Cách truyền thông trực tiếp giữa Tổng thống và người dân sẽ là điểm thú vị trong thời gian tới. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Đúng vậy, một chiến dịch vận động tranh cử không khác là bao so với một chiến dịch marketing sản phẩm. Những công cụ mà ứng viên Tổng thống sử dụng để tự rao bán mình cũng giống như công cụ mà các công ty dùng để bán sản phẩm. Chúng ta có thể học được từ điều đó và internet có vị trí quan trọng.

Từ chuột Mickey đến Tổng thống Mỹ

- Nhiều độc giả muốn tìm hiểu về cuộc đời làm báo của ông. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc về cuộc đời làm báo của ông?

Tôi rất vinh dự vì với nghề báo, tôi đã có cơ hội được gặp rất nhiều những con người thú vị, có cơ hội viết về những gì họ làm, tạo nên sự quan tâm của người Mỹ và cử tri Mỹ.

Tôi đã viết về rất nhiều Tổng thống, và tôi biết về nhiều vị rất rõ, như Jimmy Carter chẳng hạn. Tôi đã từng tới nông trại của Jimmy Carter ở Georgia, chúng tôi chơi bóng với nhau, đội của Tổng thống và đội của báo giới.

Theo một cách nào đó, tôi tự hào vì biết họ không chỉ trên tư cách Tổng thống, con người tại văn phòng, với công việc mà là con người bình thường, là chính họ trước khi là Tổng thống. Tôi nghĩ đó là điều thích thú khi trở thành nhà báo, trở thành nhân chứng cho nhiều câu chuyện lịch sử và viết về những câu chuyện đó, giúp mọi người được thấy như chính tôi thấy, hiểu được những nguyên nhân và cả những tác động đưa tới một quyết định của họ.

Tôi sẽ không đổi nghề báo với bất kỳ điều gì khác trên thế giới. Bây giờ, ở trường Truyền thông thuộc ĐH Boston cũng rất thú vị, khi tôi đào tạo những sinh viên, tương lai của nền báo chí. Tôi rất lạc quan về cách làm thế nào họ nắm giữ thế giới và cải thiện nó.

- Ông đã từng là TBT của tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ Miami Herald, và làm nghiên cứu về truyền thông ở ĐH Harvard. Trong suốt quá trình đó, câu chuyện đẹp nào ông muốn chia sẻ?

Thật khó để kể ra một câu chuyện đẹp. Những câu chuyện tôi thường kể là những chuyện làm tôi bối rối, khi làm một điều gì đó sai trái. Tôi sẽ kể về việc làm thế nào tôi trở thành một phóng viên chính trị.

Công việc đầu tiên tôi làm với tư cách nhà báo là tôi đến Orlando, Florida, có rất nhiều kỷ niệm và tới tòa soạn báo ở Orlando, Florida và đề nghị một công việc. Họ giao cho tôi viết về thế giới Disney, bởi đó là vào năm 1971, và Disney World sẽ mở vài tháng sau đó. Tòa soạn muốn thuê một người nào đó, một người trẻ như tôi viết về Disney World.

Công việc của tôi là đến khu vực Disney World, gặp và phỏng vấn rất nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới, và họ muốn đóng vai các nhân vật trong thế giới Disney, mặc những bồ đồ của Nàng Bạch tuyết, 7 chú lùn, Vịt Donald... Bài báo đầu tiên của tôi chính là viết về họ, những người muốn nhập vai các nhân vật của thế giới hoạt hình Disney.

Viết về Disney World, nhiều người chưa hiểu rằng nó không chỉ là một phần của Orlando, Florida mà là một thành phố trong lòng Florida. Họ có chính quyền, có Thị trưởng và Hội đồng lãnh đạo. Tôi bắt đầu viết về chính quyền của Disney World.

Và từ một người viết về Disney World, tôi bắt đầu đưa tin về hoạt động của chính quyền, rồi viết về chính trị và cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ. Cuộc bầu cử đầu tiên tôi bắt đầu viết là năm 1972. Kể từ đó, tôi tiếp tục viết về bầu cử Tổng thống trong suốt 25 năm.

Bài học tôi rút ra từ đó là bạn có thể bắt đầu từ việc viết về chú chuột Mickey để trở thành người viết về các vị Tổng thống, và có một sự kết nối trực tiếp từ chú chuột Mickey tới chính trị.

Văn hóa đại học: Cởi mở, đối thoại và tôn trọng khác biệt

- Từ làm việc trong một tòa soạn báo chuyển sang làm lãnh đạo một trường ĐH, nơi có những vị học giả với các bằng cấp cao, trong khi ông chưa có bằng tiến sỹ liệu có quá khó khăn với ông?

Thực ra một trường học cũng không khác nhiều với phòng tin. Ở trường ĐH có nhiều Giáo sư, thông minh, có những ý kiến đầy sức nặng và không có ý định thay đổi quan điểm của mình. Ở phòng tin cũng tương tự, với các phóng viên, biên tập viên và họ cũng đều rất thông minh, họ biết điều gì cần làm và quan điểm là gì, và bạn không cần phải dạy họ.

Ảnh: Lê Anh Dũng


Trong cả hai trường hợp, bạn đều phải thuyết phục họ điều bạn muốn họ làm là gì vì lợi ích của mỗi người. Làm Hiệu trưởng trường Báo chí, tôi nhận thấy mình cũng đang làm giống như vậy, nói với các giảng viên lí do tại sao tôi muốn họ làm như vậy, mục tiêu của tôi là gì, và tại sao tôi nghĩ mục tiêu này sẽ mang lại điều tốt đẹp cho trường ĐH Boston và cho trường Truyền thông. Tôi nói với họ, đừng chống lại tôi, và chúng ta sẽ tìm ra cách để làm. Làm việc ở trường ĐH thực sự rất thoải mái.

- Thực tế có những người từng có rất nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế nhưng khi làm quản lý một môi trường học thuật họ đã bị phản đối rất nhiều. Larry Summer ở ĐH Harvard là một ví dụ, khi ông muốn thay đổi nhiều thứ. Ông nghĩ sao?

Tôi không thể nhận xét rằng những gì Larry Summer làm là đúng hay sai vì tôi không nắm rõ. Nhưng ĐH Boston có văn hóa khác với ĐH Harvard.

ĐH Harvard là nơi rất truyền thống, bảo thủ trong cách họ điều hành hoạt động. Các Giáo sư Harvard thường có xu hướng rất rõ ràng. Họ xem ngôi trường của mình là ngôi trường của sự chuyên nghiệp. Chúng tôi quan niệm ĐH Boston là nơi đào tạo sinh viên trở thành người chuyên nghiệp. Do đó, những người chuyên nghiệp sẽ làm việc một cách chuyên nghiệp.

Và tôi cũng không phải là nhân vật bên ngoài vào trường mà tôi là một người làm nghề chuyên nghiệp ở ngôi trường đào tạo chính nghề đó. Chúng tôi sẵn lòng mời những người bên ngoài trường ĐH đến nhận xét, khuyến nghị về những thay đổi và xem chúng tôi có thể làm gì đó để thay đổi dễ dàng hơn so với Harvard.

- Có lẽ đó cũng là điều nền giáo dục ĐH của Việt Nam cần tham vấn khi họ không chú trọng mời những người từ bên ngoài có kiến thức và tầm nhìn từ thực tiễn tới giảng dạy và quản lý thay vì chỉ chú trọng đến bằng cấp tiến sỹ?

Có 2 triết lý khác nhau về giáo dục ĐH, một là mô hình của Oxford và Cambrigde, môi trường chú trọng đào tạo khoa học xã hội. Hai là mô hình giáo dục ĐH của Đức, nơi đào tạo sinh viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể.

ĐH Boston theo mô hình giáo dục ĐH của Đức, còn Harvard là thuộc mô hình Oxford. Trong Harvard, trường Kinh doanh Harvard là nơi duy nhất đào tạo để trở thành người làm việc chuyên nghiệp và mang văn hóa khác với văn hóa của Harvard.

- Đây là lần đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Ông cảm nhận như thế nào?

Tôi trở lại Việt Nam vào một ngày rất đẹp, không mưa và thời tiết nắng đẹp. Tôi rất trông đợi được tới thăm Hà Nội để thấy năng lượng của thành phố này. Rất nhiều hoạt động, nhiều ngôi nhà đang được xây dựng và rất nhiều người trẻ, tất cả đều tràn trề sinh lực. Tôi hi vọng sẽ được sớm trở lại thăm thành phố này.

- Thời gian đã dài, chúng tôi xin dừng cuộc trực tuyến tại đây. Còn rất nhiều các câu hỏi của độc giả gửi về. Chúng tôi sẽ chuyển tới ông qua email và hi vọng sẽ nhận được câu trả lời của ông từ Boston. Cảm ơn ông đã dành thời gian trực tuyến với VietNamNet.

  • Tuần Việt Nam

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2008

10 thách thức ngoại giao trong "kỷ nguyên Obama"



Theo hãng tin BBC, Tổng thống Mỹ vừa mới đắc cử Barack Obama sẽ phải đối mặt với 10 thách thức lớn về chính sách ngoại giao, như vấn đề Trung Đông, hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan...

1. Vai trò của Mỹ trên thế giới

Một kết luận chắc chắn được rút ra từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2008 là: Cử tri Mỹ hy vọng chính sách ngoại giao thời ông Bush sẽ có sự điều chỉnh mạnh mẽ.

Trong đó, nổi bật hơn cả sẽ là việc chuyển từ chủ nghĩa đơn phương sang đa phương, ít nói về nước Mỹ như "siêu cường duy nhất trên thế giới". Sự đối kháng có thể phải nhường chỗ cho các biện pháp ngoại giao khác.

Tuy nhiên, các đời Tổng thống Mỹ vẫn thường bị cuốn vào các cuộc xung đột.

Tổng thống đắc cử Obama sẽ nhậm chức trong hoàn cảnh nước Mỹ đang tham dự vào hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Vậy nên việc Obama xử lý vấn đề chiến tranh như thế nào sẽ giúp định nghĩa rõ kỷ nguyên của ông.

2. Cuộc chiến Iraq

Obama nói, ông sẽ yêu cầu các tư lệnh quân đội Mỹ điều chỉnh sứ mệnh của binh sĩ nước này ở Iraq thành "kết thúc chiến tranh một cách thành công", nhưng ông cho rằng phải kết thúc chiến tranh theo hướng "có trách nhiệm".

Ông xác định phải dành thời gian cho Chính phủ Iraq tăng cường lực lượng quân sự, trong khi Mỹ sẽ rút quân theo từng giai đoạn trong vòng 16 tháng sau khi nhậm chức, tức là trước tháng 5/2010.

Đây có thể là thành công lớn về ngoại giao của Obama. Tuy nhiên, Mỹ sẽ giữ lại một bộ phận binh sĩ ở Iraq để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố, vì thế việc không rút quân hoàn toàn là điều đã thấy trước.

3. Chiến tranh ở Afghanistan

Đây chắc chắn sẽ là một trong những thách thức nghiêm trọng của Obama, bởi trong khi cuộc chiến Iraq đang giảm dần độ nóng thì ở Afghanistan lại đang nổi lên.

Obama cam kết "sẽ tập trung sức lực vào vấn đề Afghanistan" và điều thêm hai lữ đoàn chiến đấu tới quốc gia này. Ông cũng hứa sẽ tấn công các phần tử al-Qaeda, đặc biệt là Osama bin Laden, ở những nơi mà chúng ẩn náu.

Tuy nhiên, nếu muốn cải thiện tình hình ở Afghanistan, thì điều bắt buộc phải làm là nâng cao hình ảnh và uy tín của chính phủ nước này, đồng thời đưa ra được một chính sách hiệu quả hơn đối với Pakistan (thực tế, bản thân sự ổn định của quốc gia này cũng đã là một vấn đề), từ đó mới có thể tiêu diệt được tận gốc các phần tử vũ trang Taliban và al-Qaeda đồn trú ở khu vực biên giới Pakistan.

4. "Cuộc chiến chống khủng bố"

Obama muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tư tưởng. (Ảnh: Corbis)

Cụm từ nổi tiếng dưới thời Tổng thống Bush này có thể sẽ ít nổi trội hơn trong kỷ nguyên Obama.

Obama hy vọng giành được chiến thắng trong "cuộc chiến tư tưởng" bằng cách "phục hồi việc thực thi chính sách ngoại giao phù hợp với quan điểm giá trị truyền thống của nước Mỹ, hợp tác ôn hòa với các quốc gia Hồi giáo để ngăn chặn sự truyền bá tư tưởng của al-Qaeda".

Song, đây vẫn sẽ là một thách thức khó khăn đối với chính sách của ông.

Ông từng nói, "sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để tiêu diệt các phần tử khủng bố có khả năng tạo nên sự uy hiếp trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ".

5. Vấn đề Iran

Nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể sẽ là một thách thức lớn về ngoại giao đối với Obama. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Iran. Nếu Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium, thì tân Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục những biện pháp trừng phạt, thậm chí còn mở rộng và tăng cường hơn nữa.

Chưa hết, việc Iran tiếp tục chương trình hạt nhân, có thể sẽ dẫn tới trường hợp Israel tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Và hậu quả của vụ tấn công đó sẽ rất nghiêm trọng.

Obama từng nói ông sẽ đối thoại "vô điều kiện" với Iran, nhưng không nhất định là phải hội đàm ngay ở cấp Tổng thống, trong khi đó giới lãnh đạo Iran xem ra ít có khả năng từ bỏ các hoạt động làm giàu uranium. Vậy nên, cho dù hai bên có đạt được thỏa thuận, thì nội dung cũng sẽ phải bao gồm việc công nhận Iran có quyền tiếp tục làm giàu uranium, chỉ là dưới sự kiểm soát chặt chẽ.

6. Tiến trình hòa bình Trung Đông

Tổng thống Bush từng hy vọng Israel và Palestine sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình vào cuối năm nay, nhưng xem ra giấc mộng này khó thành hiện thực.

Và vì lẽ đó, Tổng thống đắc cử Obama sẽ phải đối mặt với một vấn đề tồn tại lâu nay là Mỹ có thể phải can dự nhiều hơn vào tiến trình hòa bình này. Giai đoạn đầu tiên là cuộc tổng tuyển cử của Israel diễn ra vào ngày 10/2 năm tới.

Ngoài vấn đề giữa Israel-Palestine, từ Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Pakistan đều tồn tại hàng loạt nguy cơ, và giờ đây còn bao gồm cả Syria. Rõ ràng, nếu Mỹ muốn ổn định cục diện Iraq, thì không thể không nhận được sự giúp đỡ của Syria.

7. Quan hệ với Liên bang Nga

Nga lo ngại việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. (Ảnh: AFP)

Cuộc xung đột giữa Nga và Grudia đã kéo căng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Vậy Chính phủ mới của Mỹ sẽ thực thi chính sách với Nga như thế nào, trong khi Mỹ vẫn cần sự giúp đỡ của Nga trong vấn đề Iran và Dafur.

Vấn đề trực tiếp nhất trong quan hệ Nga-Mỹ hiện nay là việc có nên để Grudia và Ukraine gia nhập ngay Khối quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) hay không. Các Ngoại trưởng NATO sẽ thảo luận về vấn đề này trong tháng 12.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngay Chính phủ Bush cũng cho rằng, việc Grudia gia nhập NATO sẽ phải "sau nhiều năm nữa", do vậy Mỹ vẫn còn có cơ hội cải thiện quan hệ với Nga.

Ngoài ra, việc Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc cũng sẽ là một vấn đề cần coi trọng trong quan hệ với Nga. Việc Obama xử lý quan hệ với Nga như thế nào quan hệ chặt chẽ với thái độ của ông trong việc xử lý vấn đề hạt nhân.

8. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Bước đi mới đây của CHDCND Triều Tiên là một biểu hiện tích cực. Bình Nhưỡng đã đồng ý về mặt thủ tục sẽ xác minh việc ngừng chương trình hạt nhân để đổi lại việc Washington đưa quốc gia này ra khỏi danh sách các nước ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, CHDCND Triều Tiên có thể sẽ giữ lại những vũ khí hạt nhân mà họ từng tuyên bố sở hữu, vậy vấn đề khó khăn với tân Tổng thống sẽ là liệu ông có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân hay không?

9. Quan hệ Trung - Mỹ

Nhìn chung, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực đều rất quan trọng, bởi Trung Quốc cũng là một trong năm quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có ảnh hưởng lớn trên thế giới về mặt kinh tế.

Trung Quốc trước giờ không phải là một mối lo ngại của Mỹ. Những năm gần đây, Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế trong nước, quan hệ Trung Mỹ tiếp tục phát triển ổn định. Không có dấu hiệu nào cho thấy Obama phải kỳ vọng thêm nữa vào mối quan hệ này.

10. Những nội dung của nền "Ngoại giao mới"

Giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu mỏ nhập khẩu cũng là một thách thức lớn với Obama. (Ảnh: Corbis)

Tài chính, sự thay đổi khí hậu và năng lượng đều là những nội dung quan trọng trong cái gọi là "nền ngoại giao mới".

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại sẽ khiến tân Tổng thống phải đích thân can dự nhiều hơn vào các hoạt động tài chính tiền tệ.

Obama sẽ phải xem xét làm thế nào để đối phó với tình hình vị thế của nước Mỹ ngày càng giảm trên trường quốc tế, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính.

Obama từng cam kết sẽ có nhiều hành động hơn trong vấn đề ấm nóng toàn cầu và trước năm 2050 sẽ giảm tới 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Đây sẽ là một trong những vấn đề nghị sự quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông.

Một thách thức nữa là vấn đề năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ. Obama hứa trong vòng 10 năm sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông và Venezuela. Tuy vậy, từ Tổng thống Carter năm 1979 tới nay, các lãnh đạo Nhà Trắng đều tuyên bố Mỹ phải giảm bớt lượng tiêu thụ dầu mỏ, nhưng thực tế đều khó hành động.

Theo VietNamNet

10 kỹ năng dẫn đến thành công


Ngoài trình độ học vấn cơ bản, kinh nghiệm và bằng cấp trình độ, để đạt được một vị trí nào đó hay để khởi đầu công việc kinh doanh thì còn có rất nhiều phẩm chất khác nữa mà một người chủ doanh nghiệp đòi hỏi những nhân viên của mình hay chính bản thân họ cần phải có. Trong thực tế thì thành công trong kinh doanh phụ thuộc vào một vài kĩ năng thiết yếu mà bất cứ ai cũng có thể học được nhiều hơn là phụ thuộc vào trình độ học vấn hay một kinh nghiệp cụ thể nào đó. Trong số rất nhiều bí quyết dẫn đến thành công trong kinh doanh, trong sự nghiệp thì mười bí quyết sau dường như là những bí quyết quan trọng nhất:

1. Năng lực lãnh đạo
2. Khả năng tổ chức và sắp xếp thời gian
3. Các kĩ năng bán hàng
4. Năng lực tìm kiếm và quản lí thông tin
5. Việc áp dụng các công nghệ hiện đại
6. Khả năng thuyết phục và thương thuyết
7. Đưa ra những đánh giá suy xét (gồm việc đưa ra những quyết định và sự lựa chọn đúng đắn)
8. Khả năng quản lí tài chính
9. Kĩ năng viết
10. Kĩ năng nói Sau đây là những nét tóm tắt ngắn gọn về 10 bí quyết trên.
1. Năng lực lãnh đạo:
Năng lực lãnh đạo là khả năng khiến người khác làm những gì mà bạn muốn họ làm. Nếu bạn là một người lãnh đạo giỏi, mọi người sẽ làm những gì mà bạn yêu cầu dù cho bạn có ở đó để giám sát việc làm của họ hay không. Nếu bạn là một người lãnh đạo xuất sắc thì họ sẽ thực hiện theo yêu cầu của bạn, cố gắng hết sức để có thể làm thật tốt, họ thích được làm việc cho bạn và luôn cố gắng làm nhiều hơn những gì bạn yêu cầu mà chỉ nhằm làm bạn hài lòng. Còn nếu bạn là một người lãnh đạo biết khích lệ người khác thì đương nhiên họ sẽ làm những gì mà bạn yêu cầu, cố gắng đóng góp sức mình cho công việc ấy nhiều hơn những gì bạn trông đợi, họ luôn đảm bảo rằng bất cứ những gì họ làm cũng là những gì tốt nhất mà họ có thể cống hiến, không chỉ thế họ còn coi công việc của mình không những là niềm yêu thích mà hơn thế còn là một sự chia sẻ mục tiêu với tư cách của một người đồng nghiệp đối với bạn. Năng lực lãnh đạo còn bao gồm khả năng biết đem lại động lực làm việc cho người khác, khả năng tạo ra điều kiện thuận lợi mỗi khi có sự thay đổi nào đó, khả năng thay đổi hành vi của người khác và khả năng giải quyết những mối bất hòa giữa mọi người.
2. Năng lực tổ chức:
Năng lực tổ chức là khả năng sắp xếp thời gian, quản lí nhân sự và công việc theo cách mà mọi việc đều diễn ra theo một trình tự tốt nhất, được thực hiện bởi những cá nhân xuất sắc nhất và trong một khung thời gian hiệu quả nhất. Một nhà tổ chức giỏi cũng cần phải đảm bảo rằng tất cả nguyên liệu trong quá trình sản xuất phải luôn ở đúng nơi có nhu cầu, đúng thời điểm cần thiết và luôn đủ về số lượng mà không hề đòi hỏi phải dự trữ quá nhiều.
3. Kĩ năng bán hàng:
Kĩ năng bán hàng là khả năng bạn khiến người khác muốn mua những ý tưởng, những dịch vụ hay các sản phẩm của bạn. Bạn có làm bất cứ điều gì thì kĩ năng này cũng là cách duy nhất để bạn có thể kiếm tiền. Dù bạn có cho rằng mình là một người bán hàng kém cỏi đến mức nào đi chăng nữa thì khi phải làm một công việc gì đó bạn cũng sẽ cố gắng để bán được ít nhất một mặt hàng. Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe thấy những quan điểm lệch lạc của một số người về chính kĩ năng rất cần thiết trong kinh doanh này. Hầu như mọi người đều nghĩ rằng buôn bán là phải tính toán gian lận. Nhưng nếu bạn dành ra chút ít thời gian để nghiên cứu về nghệ thuật bán hàng thì bạn sẽ thấy rằng việc buôn bán cũng tương tự như việc đưa ra những lời khuyên như bạn nên bắt đầu một ngày như thế nào, bạn chọn con đường thăng tiến trong công việc ra sao, bạn phải làm gì để ngân hàng cho bạn vay một khoản tiền và làm thế nào để được lựa chọn vào ban chủ tịch trong câu lạc bộ mà bạn đang sinh hoạt ở bên ngoài. Hoạt động buôn bán sẽ không diễn ra nếu như thiếu đi việc bán hàng. Nếu như phải liệt kê những kĩ năng cần thiết trong kinh doanh theo tầm quan trọng của chúng thì có thể tôi sẽ đặt kĩ năng này lên vị trí hàng đầu. Kĩ năng bán hàng cũng là một phần của kĩ năng tạo nên sự ảnh hưởng, góp phần hoàn thiện khả năng thuyết phục và thương thuyết mà tôi cũng sẽ đặt kĩ năng này trong top 10 kĩ năng hàng đầu. Nó thật sự quan trọng đến mức tôi có một lời khuyên bạn là trước khi thực hiện bất cứ kĩ năng nào khác mà tôi đề cập sau đây bạn cũng nên đọc ít nhất là một trong những cuốn sách viết về những kĩ năng đó mà đang bán chạy nhất hiện nay. Hãy bắt đầu với cuốn “Bán hàng cho những kẻ ngốc” do Tom Hopkins viết.
4. Năng lực quản lí và tìm kiếm thông tin:
Năng lực quản lí và tìm kiếm thông tin bao gồm khả năng phát hiện ra đâu là những tin tức, sách báo, băng hình, các chương trình đào tạo hay vô số những nguồn thông tin khác có giá trị nhất, có thể giúp bạn luôn cập nhập trong lĩnh vực chuyên môn của mình cũng như trong các lĩnh vực khác mà có tác động chặt chẽ nhất tới bạn. Nhưng bên cạnh đó, có những kĩ năng quản lí và tìm kiếm thông tin tốt còn đồng nghĩa với việc có mối quan hệ với các chuyên gia- những người mà có thể giúp đỡ bạn và đồng nghĩa với việc có một quyển sổ ghi chép một cách cụ thể những địa chỉ liên lạc của họ. Đó là bởi bạn cần phải biết cách làm thế nào để tìm ra những “mỏ quặng” mà bạn chưa biết. Hay bạn cũng cần phải lưu trữ tất cả thông tin mà bạn có được, có thể tiếp cận và bổ sung một cách dễ dàng. Kĩ năng này quan trọng đến mức hầu hết các công ty đều có một ban riêng chuyên phụ trách nhiệm vụ này và được quản lí bởi một giám đốc Thông tin. Đối với hầu hết mọi nguời thì việc tạo ra và sử dụng các dữ liệu thông tin, sử dụng được các chương trình Filofax, Daytimer, DayRunner hay bất cứ chương trình nào mà bạn ưa thích, để học được những kĩ năng nghiên cứu cơ bản và để có thể tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả trên mạng Interet đã là quá đủ.
5. Khả năng áp dụng những công nghệ hiện đại:
Tôi thực sự ngạc nhiên bởi có rất nhiều chuyên gia, giám đốc và các nhà quản lí vẫn đang còn bị tụt hậu khi mà họ phản đối và sợ hãi khi bước vào thế kỉ thứ 21 thế kỉ mà công nghệ là mối quan tâm hàng đầu. Có một thực tế là bạn cần phải biết được và áp dụng tẩt cả những công nghệ hiện đại có liên quan đến ngành kinh doanh nói chung và lĩnh vực của bạn nói riêng. Nếu không có công nghệ thì bạn sẽ chẳng thể nào có những tiến bộ. (Nếu bạn là một giám đốc điều hành của một công ty nào đó thì đừng bận tâm với những gì tôi đang nói) Ít nhất thì bạn cũng phải có được những kĩ năng sử dụng máy tính cơ bản nhất. Vâng đúng như vậy điều đó có nghĩa là bạn cần phải biết cách đánh máy (hay biết cách gõ bàn phím theo như cách gọi hiện nay). Nhưng nó lại không chỉ là kĩ năng văn phòng hay kĩ năng của một người thư kí đơn thuần. (Mặc dù tôi post bài báo này lên trang web của mình, nhưng tôi biết là có một số người đọc được những bài báo này là nhờ ai đó down chúng xuống hay in ra cho họ đọc. Chính vì vậy mà tôi không chắc là tất cả những độc giả của tôi đã biết và công nhận sự cần thiết của việc biết sử dụng công nghệ thời hiện đại.) Tuy nhiên để tiếp tục bài nói của tôi các bạn không thể đạt đuợc 9 kĩ năng khác như đã liệt kê phía trên mà lại không thể sử dụng thành thạo các thành quả công nghệ trong ngành kinh doanh nói chung hay trong lĩnh vực kinh doanh của bạn nói riêng. (Chẳng hạn như nếu như bạn là một huấn luyện viên, một người dẫn chương trình hay khi bạn trình bày bất cứ loại bài diễn thuyết nào thì bạn cũng cần phải có những hiểu biết chung và biết cách sử dụng đèn chiếu, máy chiếu, hệ thống âm thanh hình ảnh, các chương trình đào tạo có máy tính trợ giúp và các phương tiện âm thanh có sử dụng đèn chiếu từ máy vi tính.
6. Khả năng thuyết phục và thương thuyết:
Đây là những năng lực cơ bản để khiến người khác thực hiện theo những gì bạn mong muốn. Những kĩ năng này rất gần với kĩ năng bán hàng và kĩ năng tạo ra động lực làm việc. Chúng thực sự cần thiết đối với tính cách của một người lãnh đạo. Mặc dù bạn đã học những kĩ năng này từ khi còn bé nhưng phải khi lớn lên bạn mới sử dụng chúng. Có rất nhiều hệ thống hay một loạt những phương pháp mà bạn có thể học để áp dụng vào các những tình huống trong thực tế mà có thể khiến những người khác hợp tác với bạn nhằm đạt được những mục tiêu của bạn. Người nào thay mặt cho ông chủ hay các khách hàng của họ sử dụng những kĩ năng này một cách thành công thì hầu như luôn vượt lên trên những người khác.
7. Có óc suy xét:
Dù cho bạn có gọi đó là một sự suy xét khôn ngoan, một cảm giác thông thường, một lương tri chất phác hay một sự khôn ngoan thường thấy thì đây vẫn là một trong những năng lực có giá trị nhất trong bất cứ nỗ lực cố gắng nào trong hầu hết mọi xã hội. Đó là khả năng đưa ra những sự đánh giá chính xác, những lựa chọn khôn ngoan đặc biệt khi chúng có liên quan đến những người khác. Đó còn là khả năng phát triển những ý kiến đã được thông tin. Nhưng hơn cả thế nó còn bao gồm một trực giác nhạy bén và một kinh nghiệm đã qua kiểm chứng thực tế. Năng lực này bắt đầu với sự phát triển của cái gọi là “ những kĩ năng tư duy có phê phán”.
8. Khả năng quản lí tình hình tài chính:
Bạn không cần phải là một thần đồng về toán học nhưng bạn lại cần phải biết về dự thảo ngân sách và lên kế hoạch nếu như bạn đang trong ban quản lí một công ty. Lí do của việc này là bởi có thể bạn sẽ có một khoản ngân quỹ dành cho một phòng ban nào đó mà bạn phải quản lí. Tuy nhiên nếu bạn muốn trở thành một người lãnh đạo chính trong công ty thì bạn nên biết về tầm quan trọng của việc nắm vững những vấn đề tài chính của công ty, mà nó bao gồm việc làm tăng vốn cho công ty, vòng quay tiền mặt, quản lí tài sản, lên kế hoạch về thuế, ngân sách tài chính, đánh giá tiền tệ, liên doanh liên kết và kết quả của chúng, quản lí tín dụng và tác động của những qui định của chính phủ. Nếu bạn đã học để lấy bằng MBA thì có thể bạn sẽ được học hầu hết những vấn đề đó trong quá trình học. Song vẫn còn có rất nhiều thông tin khá dễ hiểu trong các cuốn sách, trong các buổi hội thảo cũng như trong những chuyến đi làm ăn thương mại khác dành cho những người còn lại trong chúng ta.
9. Kĩ năng viết:
Hiện nay là thời đại thông tin cho nên mọi người muốn biết được những gì mà bạn đã biết. Họ muốn được tiếp cận với những gì mà bạn biết kể cả khi mà họ không thể tiếp cận với bạn. Vì vậy họ muốn bạn viết ra những điều bạn biết cho họ. Họ muốn bạn viết một cách chính xác và dễ hiểu. Ngược lại bạn muốn người khác biết và tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở bạn để họ sẽ tuyển dụng bạn, kí kết hợp đồng với bạn hay mua sản phẩm của bạn. Khi đó bạn cần phải đem tới cho họ những bài viết đầy thuyết phục, mang tính khuyến lệ, tạo được sự tin tưởng và chứa đựng nhiều thông tin để khiến cho họ biết được những gì bạn đã làm, những gì bạn biết và những gì bạn có thể làm. Không còn nghi ngờ gì nữa bạn hoàn toàn phải có kĩ năng viết để có thể đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp, trong công việc kinh doanh hay nghề nghiệp. Nếu như tôi chưa nhấn mạnh đúng mức về kĩ năng này thì hãy để tôi nhắc lại một lần nữa rằng “ bạn cần phải viết”. Và nếu như trình độ ngữ pháp hay chính tả của bạn chưa được tốt thì bạn cần phải sửa ngay.
10. Kĩ năng nói:
Ít nhất thì bạn cũng phải có khả năng điều hành hay tham dự vào các buổi họp hành. Thậm chí dù cho bạn có là một nhân viên quản lí ở chức vụ bình thường thì bạn cũng phải nói lên được ý kiến của bản thân hay ý kiến của phòng bạn trong các buổi họp. Nếu như bạn không thể làm như vậy thì bạn không những không thăng tiến trong công việc mà còn không thể trở thành một nhà quản lí giỏi. Bạn nên biết lập luận cho mình khi bạn muốn được tăng lương hay nhận được sư ủng hộ về tài chính hay ủng hộ trong một dự án nào đó. Bạn còn nên biết cách là một người phỏng vấn hay người trả lời phỏng vấn xuất sắc. Bạn phải biết cách thuyết trình một cách thuyết phục và hiệu quả để giành lấy một công việc, để đạt được khoản tiền mà bạn mong muốn, để được giao công việc mà bạn yêu thích, để lấy được thông tin cần thiết, để phổ biến những thông tin mà bạn muốn, để khiến những người khác làm việc gì đó và để thuê được những nhân công giỏi. Ít nhất thì bạn cũng phải nói tốt khi nói chuuyện chỉ với một khách hàng để có thể bán được sản phẩm. Tất cả những điều trên đòi hỏi những kĩ năng tương tự như kĩ năng diễn thuyết nơi đông người. Nếu như bạn hoàn toàn không muốn thực hành kĩ năng này thì bạn có thể học chúng từ bạn bè, từ một khóa học nào đó hay luyện tập với một vài người bạn của mình. Hoặc như bạn phản đối cách học như vậy thì hãy học cách diễn thuyết trước đông người. Rất là dễ khi học những kĩ năng này nhưng một khó khăn thực sự duy nhất lại là nỗi khiếp sợ khốn khổ mà một người bình thường hay cảm thấy mỗi khi anh ta chuẩn bị cho bài nói của mình ta thậm chí là trước rất ít khán giả để thực hành những kĩ năng này. Cách dễ nhất mà tôi biết để có được kĩ năng thuyết trình này, để có thể luyện tập chúng và trở nên thoải mái khi nói trước một hay thậm chí một nghìn khán giả là tham gia vào câu lạc bộ Toastmasters – câu lạc bộ Những người tuyên bố nâng cốc chúc mừng tại các bữa tiệc. Tôi thực sự có được cảm giác này sau khi tham gia vào câu lạc bộ Toastmasters chỉ trong ít phút. Sau đó tôi đã đưa mẹ tôi tới các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ này. Ở cái tuổi hơn bảy mươi của mẹ tôi, bà đã nói một cách rất nghiêm túc với tôi rằng bà rất vui khi được làm tăng số luợng hội viên của câu lạc bộ bằng cách trở thành một khán giả trung thành để nghe những người khác nói nhưng bà lại không bao giờ tham gia diễn thuyết gì cả. Và với chủ đề của hàng tuần thì cách duy nhất để chúng tôi khiến bà nói không ngừng nghỉ là gắn bà vào những vấn đề của buổi sinh hoạt và nói đùa với bà. Bà không cần những kĩ năng trong kinh doanh hay tuyển dụng. Nhưng thực sự bà đang cảm thấy rất vui!

10 kỹ năng phỏng vấn dành cho phóng viên










Không ít phóng viên coi thường chuyện phỏng vấn, có kẻ rất ngại. Cũng có người khá cẩn thận, chuẩn bị kỹ càng lắm (tự cho là thế) nhưng kết quả cũng không được như ý. Nhưng nếu ghi nhớ 10 kỹ năng dưới đây thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm xách túi lên đường.

1. Nghiên cứu kỹ chủ đề

Một điều sơ đẳng song không phải ai cũng nghĩ đến khi chuẩn bị có một cuộc phỏng vấn! Có người cứ thong dong tay đút túi quần, đến nơi thì chĩa máy ghi âm ghi lại tuốt luốt và về nhà mới giải băng, viết tin. Tốt nhất phải hiểu rõ vấn đề, tìm kiếm trước thông tin mới nhất cũng như thông tin background về chủ đề đó từ kho tư liệu của chính tờ báo, các thư viện hay liên hệ với các nguồn khác.

2. Lập sẵn một danh sách các câu hỏi

Phải xác định xem mình muốn biết gì từ người được phỏng vấn và sắp xếp sẵn các câu hỏi một cách logic để không bị hỏi lộn xộn, lung tung. Người thông minh có thể sắp sẵn trong đầu nhưng tốt nhất là cứ viết ra các câu hỏi một cách vắn tắt và cụ thể. Nếu muốn mang một tài liệu nào đó cho người được phỏng vấn xem, hãy nhớ kèm danh sách các câu hỏi liên quan. Nếu muốn người được phỏng vấn trả lời hay nhận xét về một điều gì đó được viết ở một tài liệu khác thì luôn nhớ mang theo một bản copy hay viết lại chính xác về điều đó trong sổ tay của bạn.

3. Lên kế hoạch trước

Việc thu xếp cuộc phỏng vấn cũng nên tiến hành chu đáo. Phải giới thiệu bản thân và mục đích viết bài một cách rõ ràng, cũng như lý do tại sao lại muốn phỏng vấn họ: “Tôi đang viết bài về tư nhân hóa liên quan đến nhiều công ty và tôi muốn biết kinh nghiệm của công ty ông?” Hãy hẹn chính xác giờ, địa điểm, ngày phỏng vấn, và nên gọi lại để xác nhận nếu hẹn quá xa.

4. Có tác phong chuyên nghiệp

Nên đến đúng giờ và ăn mặc phù hợp. Có thể bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng để người được phỏng vấn cảm thấy thoải, nhưng nhớ là rất ngắn gọn. Trước hết cần nhắc lại mục đích của cuộc phỏng vấn: “Như đã nói qua điện thoại, tôi đang viết bài về...” Hãy ghi lại chính xác tên, chức danh, tên công ty ngay lúc bắt đầu cuộc phỏng vấn để khỏi quên, tốt nhất là xin danh thiếp và kiểm tra với người được phỏng vấn xem có thay đổi gì về chức danh, phòng ban họ đang làm và số điện thoại liên hệ hay không.

5. Giữ đúng chủ đề của cuộc phỏng vấn

Cố gắng hỏi những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn, nhưng cũng không nên là nô lệ của chúng. Hãy nghe người được phỏng vấn nói, và đặt những câu hỏi tiếp theo dựa trên những gì mà người đó đang nói đến. Đừng để người được phỏng vấn đi quá xa chủ đề hay lạc đề nhưng cũng nên nhã nhặn trong cách đưa họ quay lại với chủ đề chính của cuộc phỏng vấn bằng cách nói “Vấn đề ông đang nêu khá thú vị nhưng chúng ta có thể quay trở lại vấn đề...”

6. Hãy để người được phỏng vấn nói

Đừng đưa ra ý kiến riêng và đừng hỏi những câu dài dòng. Thậm chí khi kết thúc cuộc phỏng vấn cũng nên tránh đưa ra chủ kiến của phóng viên. Nếu bị buộc phải nhận xét về một điều gì đó, hãy nói với người được phỏng vấn là bạn thấy ý kiến của cả hai phía đều có giá trị. Cần nhớ là luôn đưa ra câu hỏi một cách trung lập (“Một số người nói là tình hình tài chính của công ty A hết sức nguy ngập, ông/bà có đồng ý với ý kiến đó không?”)

7. Giải thích rõ ràng những nguyên tắc cơ bản

Khi người được phỏng vấn không muốn một số điều mà họ nói được trích dẫn vào bài viết, hãy giải thích một cách rõ ràng nhưng lịch sự về những nguyên tắc của tờ báo. Tuyệt đối không đề cập đến việc sẽ không trích dẫn thông tin người được phỏng vấn cung cấp, trừ trường hợp người được phỏng vấn yêu cầu. Thông thường, tất cả các thông tin sẽ đều được trích dẫn trong bài báo.

8. Ghi lại những quan sát riêng

Nhớ ghi lại những chi tiết như vẻ ngoài của văn phòng, người được phỏng vấn đang mặc đồ gì, thái độ khi đó ra sao,... - nói tóm lại là bất cứ điều gì có thể làm sinh động thêm cho bài viết. Hãy ghi lại, đừng bao giờ chỉ dựa vào trí nhớ của mình.

9. Đừng tự lừa bản thân

Nếu không hiểu một điều gì đó, hãy đề nghị người được phỏng vấn giải thích rõ ràng. Chớ làm ra vẻ biết nhiều hơn những điều mình thực sự biết, trừ khi nghĩ rằng đó là điều lẽ ra phải đọc và tìm hiểu trong lúc chuẩn bị nhưng bây giờ mới phát hiện biết mình là thiếu sót. Nếu nghe không kịp điều gì đó, hãy đề nghị người được phỏng vấn nhắc lại.

10. Kết thúc cuộc phỏng vấn

Hãy nói với người được phỏng vấn là bạn cần lướt qua các vấn đề đã hỏi xem có quên điều gì không. Thậm chí hãy hỏi thẳng người được phỏng vấn: “Có điều gì đó mà ông/ bà muốn nói thêm mà tôi chưa hỏi không?” và nếu có thể thì đề nghị: “Có ai đó khác mà tôi cần phải nói chuyện với không, hay có tài liệu gì mà tôi cần phải đọc để làm rõ, hiểu rõ những gì mà chúng ta đang nói không?” Hãy kiểm tra lại tất cả các số liệu, con số, ngày giờ, hay địa điểm (các chi tiết nhỏ nhưng quan trọng). Cũng nên xin phép rằng có thể bạn sẽ phải gọi điện lại cho họ để hỏi thêm một vài điều.

Đoàn Hạnh (Theo Vietnamjournalism)

10 KỸ NĂNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI


Ngày nay, cùng với tốc độ phát triển cả thời đại, phụ nữ càng phải biết thíc nghi hơn để thành công trong công việc và cuộc sống. Nhan sắc thôi chưa đủ, bạn còn cần thêm vài yếu tố sau:

Mẫu người me hiện đại: Làm mẹ là bản năng, nó cần được nâng cấp bằng những kỹ năng mới. Bạn phải biết cách chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý khi mang thai để bé khỏe, hướng dẫn con học những điều mới lạ.

Nấu nướng: Dù thành đến đâu, phụ nữ cũng không thể phớt lờ kỹ năng này. Đây là điều cơ bản để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hãy tham gia các khóa học nấu ăn. Nếu không có thời gian bạn có thể tham khảo sách báo, trang web,…. Chồng bạn sẽ rất hãnh diện khi có một người vợ nấu ăn ngon.

Làm đẹp: Không chỉ đơn thuần là mặc đẹp, bạn còn phải biết "mặc thông minh" và phù hợp. Sự thông minh thể hiện khi bạn chọn trang phục tùy vào chi phí và điều kiện kinh tế của gia đình. Để ăn mặc phù hợp với thời đại, bạn nên tham khảo sách báo để bắt kịp mốt. Ngoài ra, kỹ thuật trang điểm nhẹ nhàng và bí quyết giữ gìn nhan sắc cũng vô cùng quan trong đấy!

Sữa chua: Bóng đèn bị hỏng, chồng lại đi làm chưa về. Người phụ nữ "lỗi thời" sẽ ngồi trong bong tối chờ đợi chồng về sửa. Trong khi đó, người phụ nữ hiện đại chỉ mất 3’ để thay bóng mới. Hãy nhờ anh ấy hướng dẫn bạn một vài việc vặt.

Giao tiếp: Đây là một trong những kỹ năng quan trọng, đánh giá sự thành công của bạn. Hãy luôn nở nụ cười trên môi và thể hiện sự thân thiện khi trò chuyện với người khác. Tạo dựng một hình ảnh đẹp là điều rất cần thiết. Nếu bạn chưa tự tin với khả năng giao tiếp của mình có thể tham gia các khóa học. Ngoài ra, một người giao tiếp thành công, ngoài việc khiến mọi người yêu quý, còn phải biết cách xử lý một cách khéo léo những tình huống trong cuộc sống.

Thư giãn: Đây chính là bước đệm để bạn lấy lại phần năng lượng khi bạn làm việc quá sức. Tại sao bạn không đến spa để chăm sóc làn da, thư giãn tinh thần hoặc tìm đọc một quyển sách hay? Nếu quá “xì-trét", hãy tham gia một lớp học yoga, sẽ rất hiệu nghiệm đấy!

Làm vợ: Đừng nghĩ làm vợ là chuyện dễ. Cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào cũng nồng nàn như ý muốn. Hãy nắm rõ tâm lý của chồng và học cách "hâm nóng" tình yêu. Luôn làm mới mình sẽ giữ cho lửa thêm nồng. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên viên khi cần thiết.

Trang trí nhà cửa: "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm". Chẳng có người đàn ông nào muốn có cô vợ xinh đẹp nhưng không biết chăm sóc, bày biện nhà cửa. Bạn cần chú ý đến sở thích của mọi người trong gia đình và cập nhật các khuynh hướng mới nhất để trang trí nhà phù hợp. Hãy để căn nhà của bạn không chỉ đẹp mà đầy cá tính.

Học hỏi: Người phụ nữ thông minh phải biết rằng việc học không bao giờ có điểm dừng. Họ phải luôn cập nhật kiến thức để không bị lạc hậu trong thời đại toàn cầu hóa. Bạn cũng phải như thế chứ?

Luôn bảo vệ sức khỏe: Thiếu điều này, bạn khó thực hiện 9 kỹ năng trên. Mỗi ngày, dành ít nhất 15’ để tập thể dục, khám sức khỏe định kỳ.