Micronews

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

10 thương hiệu Mỹ được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc



Là nước đông nhất thế giới, Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nhiều công ty Mỹ. Tuy nhiên, tại thị trường này, các công ty phải đối mặt với vô số đối thủ đáng gờm và công nghệ làm hàng giả siêu cấp.


Dưới đây là 10 thương hiệu Mỹ đã chinh phục thành công và được ưa chuộng nhất tại Trung Quốc.

1. KFC

Thị phần: 40% (Yum! Brands)

Ngành nghề: Đồ ăn nhanh

Đối thủ lớn: McDonald’s
 

KFC giờ đây đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của đa số người dân Trung Quốc. Kể từ khi cửa hàng KFC đầu tiên được mở tại Bắc Kinh năm 1987, giờ đây chuỗi cửa hàng của hãng này tại Trung Quốc đã tăng lên trên 3.200, đặt tại 650 thành phố.  Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của KFC là McDonald’s, chuỗi hàng ăn nhanh thứ 2 tại Trung Quốc, có 1.110 cửa hàng, chiếm 16% thị phần. KFC là chuỗi hàng ăn nhanh được đặc biệt ưa thích tại Trung Quốc, đến mức công ty này đặt mục tiêu tăng số cửa hàng của mình tại đây lên 20.000.

Năm 2010, trung Quốc hiện chiếm 29% chi phí quảng cáo và 36% doanh thu trên toàn thế giới của Yum! Brands. Bí quyết là, trong khi các cửa hàng của McDonald’s hầu như giữ nguyên thực đơn của Mỹ, KFC lại thêm vào nhiều món ăn phù hợp với khẩu vị của người Trung Quốc như cháo yến mạch theo phong cách Trung Quốc cho bữa sáng.

2. General Motors (GM)

Thị phần: 12,8%

Ngành nghề: Ô tô

Đối thủ lớn: BYD, Toyota
 
 
Trong nửa đầu năm 2011, GM đã vượt qua Toyota Motor để trở thành hãng sản xuất xe hơi lớn nhất trên thế giới. Và đây cũng là thương hiệu xe hơi bán chạy nhất tại Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2010, lần đầu tiên doanh số bán hàng tại Trung Quốc của GM vượt doanh số tại Mỹ. Khi đó, Trung Quốc chiếm tới 25% doanh số toàn cầu của GM. Kể từ năm 2000, thị phần của GM tại Trung Quốc đã tăng vọt từ 3,4% lên 12,8%. Năm ngoái, GM đã bán hơn 104.000 chiếc LaCrosses, một trong những dòng xe được ưa chuộng nhất của hãng tại Trung Quốc. Tại quốc gia đông dân nhất thế giới này,GM hoạt động dưới hình thức liên doanh với một số công ty của Trung Quốc như SAIC Motor.

3. Microsoft


Thị phần: 99,3%

Ngành nghề: Hệ điều hành máy tính

Đối thủ lớn: N/A
 
 
Microsoft là hãng thống trị thị trường hệ điều hành máy tính tại Trung Quốc. Theo phân tích của Baidu, công ty Internet lớn nhất của Trung Quốc, Microsoft hiện đang chiếm tới 99,31% thị phần tại quốc gia này, vượt xa hệ điều hành hệ điều hành Mac Mac OS và Linux của Apple. Tuy nhiên, do nạn ăn cắp bản quyền tràn lan tại Trung Quốc, doanh thu của Microsoft đã thất thoát không ít. Được biết, tại Trung Quốc, gần 80% phần mềm máy tính đang được sử dụng là không có bản quyền. Theo CEO Steve Ballmer của Microsoft, doanh thu từ hệ điều hành của công ty này tại Trung Quốc chỉ bằng 5% so với tại Mỹ mặc dù lượng bán máy tính tại 2 quốc gia là tương đương.

4. Boeing

Thị phần: 52%

Ngành nghề: Máy bay thương mại

Đối thủ lớn: Airbus, Embraer, Bombardier
 
 
Theo số liệu từ Forbes, hiện Boeing đang chiếm hơn 50% thị phần máy bay thương mại tại Trung Quốc. Boeing được dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển hơn nữa tại thị trường đông dân nhất thế giới này. Tính từ năm 2010, lượng vận tải bằng đường hàng không tại Trung Quốc đã tăng 16%.  Boeing kỳ vọng thị trường hàng không tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng gấp 3 lần trong 20 năm tới, từ đó nhu cầu máy bay cũng sẽ tăng theo khoảng 5.000 chiếc tương đương 600 tỷ USD. Bản thân Trung Quốc và Boeing cũng có mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Theo chủ tịch Boeing tại Trung Quốc, ông David Wang, “Trung Quốc là khách hàng nước ngoài lớn nhất của Boeing và ngược lại Boeing cũng là nhà tiêu thụ các phụ tùng, thiết bị hàng không lớn nhất của Trung Quốc.

5. Nike

Thị phần: N/A

Ngành nghề: Thời trang thể thao

Đối thủ lớn: Li Ning, Adidas
 
 
Nike hiện là hãng sản xuất đồ thể thao lớn nhất tại Trung Quốc, theo sau là Li Ning với 1/3 thị phần và Adidas. Theo báo cáo thường niên hồi tháng 6 vừa rồi, Nike công bố doanh thu 2 tỷ USD tại Trung Quốc Đại Lục, gấp đôi so với doanh thu năm 2007. Tuy chiếm đa số thị phần, Nike cũng đang phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt với các hãng thời trang thể thao nước ngoài khác và cả nội địa.

6. Coca-Cola/Sprite

Thị phần: 61,5%/26,9%

Ngành nghề: soda

Đối thủ lớn: PepsiCo
 
 
Theo số liệu mới nhất từ Nielsen, Sprite là thương hiệu nước giải khát số 1 tại Trung Quốc với 26,9% thị phần. Trong khi đó, chủ sở hữu thương hiệu Sprite, công ty Coca-Cola chiếm tổng cộng 61.5% thị phần soda tại quốc gia này. Theo sau là PepsiCo với 29%. Coca-Cola hiện có hơn 40 nhà máy tại Trung Quốc và công ty này dự định trong 3 năm tới sẽ đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng thêm nhà máy và xe tải vận chuyển.

7. Procter & Gamble (P&G)

Thị phần: 55% (tất cả các sản phẩm chăm sóc tóc P&G)

Ngành nghề: Chăm sóc tóc
 Đối thủ lớn: Unilever
 
 
Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới Procter & Gamble hiện đang thống lĩnh thị trường sản phẩm chăm sóc tóc tại Trung Quốc với 55% thị phần. Sản phẩm bán chạy nhất của công ty này tại Trung Quốc là dầu gội Head & Shoulders. Theo báo cáo đăng trên trang Chinadaily năm ngoái, “P&G công bố sẽ đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào Trung Quốc trong 5 năm tới và cũng sẽ cho ra đời trung tâm nghiên cứu cải tiến tại Bắc Kinh với tổng giá trị đầu tư là 80 triệu USD”. Theo nhận định của công ty nghiên cứu RNCOS, thị trường chăm sóc tóc Trung Quốc sẽ tăng trưởng hàng năm lên tới 15.5% vào năm 2013.

8. Intel
Thị phần: 14,9%

Ngành nghề: Thiệt bị bán dẫn

Đối thủ lớn: Samsung, Hynix
 
 
Intel là công ty sản xuất thiết bị bán dẫn lớn nhất thế giới tính về doanh thu. Và hiện nay Trung Quốc chiếm tới 1/3 thị trường bán dẫn của thế giới. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi Intel là nhà cung cấp thiết bị bán dẫn lớn nhất tại Trung Quốc. Theo PwC, tính đến năm 2010, Intel chiếm 14.9% thị phần bán dẫn tại Trung Quốc. Chỉ riêng trong năm 2010, doanh thu tại Trung Quốc của Intel là gần 20 tỷ USD. Theo IDC, doanh số quý 2 năm 2011 của Intel tại Trung Quốc là 18,5 triệu USD, lần đầu tiên vượt doanh số tại Mỹ.

9. Starbucks

Thị phần: 70%

Ngành nghề: Cà phê
Đối thủ lớn: McDonald’s, Pacific Coffee, Dunkin
 
 
Starbucks là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới tính về doanh thu. Công ty này chiếm tới 70% thị phần cà phê tại Trung Quốc với 450 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục. Hiện nay, công ty này đang có ý định mở thêm 1.000 cửa hàng.

Cuối tháng 11/2010, Starbucks đã ký một thỏa thuận với chính phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về việc sẽ thành lập công ty canh tác cà phê – đậu nành đầu tiên trên thế giới. Thoả thuận này sẽ làm lợi cho chiến lược bảo vệ nguồn cung của công ty giữa bối cảnh giá cà phê tăng cao và cung cấp thực phẩm cho thị trường cà phê đang phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc. Starbucks còn gọi Trung Quốc là thị trường quê hương thứ hai của mình.

10. Apple

Thị phần: 51%

Ngành nghề: Máy tính bảng

Đối thủ lớn: Lenovo, Samsung
 
 
Dù không có được thị phần trên thị trường hệ điều hành máy tính tại Trung Quốc, nhưng Apple lại đứng vị trí thứ tư trên thị trường smartphone và chiếm lĩnh hơn một nửa thị trường máy tính bảng tại quốc gia này.

Theo công ty tư vấn iResearch, máy tính bảng iPad của Apple chiếm tới 51% thị phần tại Trung Quốc, trong khi Lenovo và Samsung lần lượt có thị phần là 13,8% và 9,8%. Theo báo cáo của Tabtimes, 80% người tiêu dùng Trung Quốc coi iPad là lựa chọn đầu tiên khi muốn mua máy tính bảng. Apple cho biết doanh thu của công ty này tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2011 đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Wall Street 24/7

Không có nhận xét nào: