Micronews

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Lê Thúy Hạnh chia sẻ về Truyền thông mới

Sáng 25/2, tại văn phòng của Micronet, bà Lê Thúy Hạnh – TGĐ Digimarketing đã có một buổi chia sẻ về “Vai trò của người phóng viên trong thời đại truyền thông mới” với 40 bạn trẻ đến từ Nhóm Truyền thông mới (VNMG) và CLB Truyền thông (YMC) của ĐH Ngoại thương.

Xem ảnh về buổi chia sẻ

Mở đầu buổi chia sẻ, bà Lê Thúy Hạnh đã đặt ra hàng loạt câu hỏi khó, từ những vấn đề mang tính chất bản lề như “Phóng viên là gì?”, “Truyền thông mới là gì?” cho đến những câu hỏi mang tính chất gợi mở, định hướng như “Theo bạn, đâu là những tư duy của người phóng viên trong thời đại truyền thông mới?” hay “Bạn muốn trở thành một người phóng viên như thế nào?” Không khí từ đây trở nên rất sôi nổi, giúp kết nối những ý tưởng và quan điểm từ những người trẻ đam mê truyền thông. Phần chia sẻ thêm phần thú vị khi nhận được những ý kiến sắc sảo và đầy trải nghiệm của ông Lại Hợp Nhân - Phó TBT Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.



Bà Lê Thúy Hạnh tại buổi chia sẻ

Với sự xuất hiện của các mạng xã hội, truyền thông đang dần có những biến chuyển của nó. Ban đầu là truyền thông đại chúng (mass media), nó đã và đang dịch chuyển đến truyền thông mới (new Internet media) và tiếp đến là truyền thông từ cá nhân (individual media). Ở đó, mỗi cá nhân đều có thể trở thành nhà báo, đều có quyền tranh luận, phản biện, cung cấp thông tin trước bất cứ một vấn đề của xã hội, hoặc có thể trở thành Đại sứ của đất nước mình thông qua Youtube, Blog... Thế giới hiện nay đang dần hình thành những biên giới số, ở đó mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành một công dân mạng, và trong tương lai, biên giới số giữa những mạng xã hội cũng sẽ biến mất, để mỗi công dân trên Internet đều trở thành công dân toàn cầu.

Bà Lê Thúy Hạnh nhấn mạnh nguyên tắc 4P trong thời đại truyền thông mới: tùy thuộc vào mỗi thể chế ở mỗi đất nước, và tùy thuộc vào mong muốn và sự sáng tạo ở mỗi cá nhân mà chúng ta có thể tự cho phép mình làm điều mình muốn ở một mức độ khác nhau (Permission). Khi đã có một “giấy phép” cho bản thân, điều quan trọng là bạn có dám và sẵn sàng tham gia hay không (Participation). Tiếp đó, hãy tự tạo cho mình một chiếc thẻ ID trong thế giới mạng (Profile). Nguyên tắc cuối cùng chính là cá nhân hóa (Persionalization): thay vì riêng tư hóa, hãy thể hiện quan điểm, tính cách, tư tưởng, cái tôi cá nhân giữa cộng đồng rộng lớn hàng trăm triệu người.



Các bạn trẻ đã tham gia rất sôi nổi


Cùng với sự chuyển mình đó, tính chất của truyền thông cũng đang thay đổi rất mạnh mẽ: từ cơ chế đưa tin sang cơ chế lan truyền, từ truyền thông một chiều sang truyền thông xã hội, từ tính chất lặp lại thất thường của thông tin cho tới tính cập nhật, thường xuyên; từ việc người tiêu dùng thông tin là khán giả cho tới là người tham gia...

Truyền thông mới cũng mang đến cơ hội làm giàu cho rất nhiều người. Với số lượng người khổng lồ đang sử dụng Internet và đặc biệt là các mạng xã hội, tiếp thị số đang là xu hướng của thế  kỷ 21. Trong khi đó tại Việt Nam, chưa nhiều người khai thác mảnh đất màu mỡ này. Mạng xã hội giúp cho doanh nghiệp xác định và khoanh vùng thị trường mục tiêu của mình một cách dễ dàng hơn. Và quan trọng nhất, với công nghệ số thì chi phí để quảng bá cho một doanh nghiệp chỉ bằng 1/100 so với các hình thức marketing truyền thống.

Rõ ràng, Truyền thông mới đang là một xu hướng của tương lai với rất nhiều cơ hội đang mở ra trước mắt. Nắm bắt được điều này, mỗi người trẻ, với tư cách là một phóng viên, một công dân trong thời đại số đó sẽ xác định được con đường đi đúng đắn cho mình để vươn lên làm chủ cuộc sống và xã hội – Lê Thúy Hạnh nhấn mạnh lại.

Phương Mai   

Không có nhận xét nào: