Micronews

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

“Tiếp thị số” và mạng xã hội: Công cụ chiến lược mới của doanh nghiệp

Trong 3 ngày (27-29/4/2010) tại Singapore sẽ diễn ra hội thảo khoa học quốc tế với sự tham dự của nhiều diễn giả nổi tiếng trên toàn cầu, đặc biệt là sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Trước thềm hội thảo, chị Lê Thúy Hạnh - Tổng giám đốc của Digimarketing.,JSC, Phó Tổng giám đốc Đối ngoại của Micronet Group - người sẽ cùng đoàn DN Việt Nam tham gia sự kiện này nhận định, đây là cơ hội rất tốt để các DN Việt Nam học hỏi được các kinh nghiệm từ quốc tế.
  • Chị có thể chia sẻ thông tin về sự kiện này và các DN Việt Nam tham gia sự kiện này sẽ có cơ hội học hỏi được những gì?

Lê Thúy Hạnh
Với tôi, công việc học hành và khám phá những điều mới mẻ là một nhu cầu thực sự. Tôi luôn tự tìm những thông tin thực sự có giá trị cho mình. Và sự kiện gặp gỡ với Cựu thủ tướng Tony Blair là một trong những điều mà tôi thấy giá trị như vậy. Thông tin này đến với tôi thông qua chuyến học tập tại Singapore trong tháng 12/2009, khi tôi tham dự khóa học Global Internet Marketing do công ty Success Resource tổ chức. Tại đó, tôi đã được giới thiệu tới khóa học của ông Tony Blair và các diễn giả khác tại sự kiện “Hội nghị quốc tế 2010” (National Achievers Congress 2010). Là một trong những nhà  lãnh đạo thế giới được kính trọng và  ngưỡng mộ nhất trong vòng 50 năm qua, Tony Blair đưa ra một nghiên cứu có một không hai về những vấn đề khó khăn và phức tạp nhất trên thế giới. Trong suốt khoảng thời gian 10 năm đảm nhiệm chức vụ thủ tướng, ông đã thay đổi hệ thống dịch vụ công của Anh thông qua một chương trình đầu tư và cải cách trường học và bệnh viện. Điều này giúp cho nhiều trẻ em có cơ hôi học tập tốt hơn. Tiếp sau vai trò của Thủ tướng Anh, Blair nhanh chóng trở thành một nhà diễn thuyết và nhà tư vấn cho các công ty được mong đợi nhất. Ông được xem như là diễn giả nổi tiếng nhất trong lĩnh vực kinh doanh mang đến những nghiên cứu và cách tiếp cận sâu sắc đến những cơ hội phía trước. Đây là một trong những cơ hội hiếm có để được ngheTony Blair đề cập đến những vấn đề của nền kinh tế hiện nay và dẫn dắt bạn đến một sự đánh giá tuyệt vời về tương lai nền kinh tế thế giới trong vòng 5 năm tới!


Ngoài Tony Blair còn có các diễn giả nổi tiếng khác như ROBERT G.ALLEN - Triệu phú hàng đầu của Mỹ nói về Làm thế nào để tạo ra dòng thu nhập theo cấp số nhân; CHRISTOPHER HOWARD – với chủ đề Con đường đi đến thành công nhanh chóng, Thay đổi cuộc sống của bạn ngay lập tức và mãi mãi; SPIKE HUMER - Cách để thay đổi công việc kinh doanh và cuộc sống của bạn trong vòng 10 ngày; LORAL LANGEMEIER - Nhà chiến lược tài chính hàng đầu với chủ đề  “Hãy kiếm tiền mặt một cách nhanh chóng!”; GREG SECKER - Nhà kinh doanh đẳng cấp thế giới “Cách để đếm $ 45.000 chỉ trong vòng 4 phút”; JOHN P.COUTIS - Nhiệm vụ khả thi, TOM HUA - Kinh doanh trên Internet “trong 1 chiếc hộp”; JORDAN BELFORT - Con sói của phố Wall; DAN ECKELMAN - Biến quyền lưu giữ tài sản vì lý do thuế thành sự Thịnh Vượng; ANDREW BAXTER - Làm chủ tương lai của bạn một cách khôn ngoan; SHAUN STENNING - Đạt được thành công Online mà bạn mong muốn... một cách nhanh chóng.
  • Được biết, ngoài công việc của một CEO, chị là công dân danh dự trên các mạng xã hội hàng đầu như Facebook, Linkedin, với số lượng thành viên rất lớn (trên 5000 thành viên) - đa phần họ đều là những chuyên gia, những nhà lãnh đạo và tiếp thị hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Chị đánh giá thế nào về vai trò của mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là lợi ích với sự phát triển doanh nghiệp?
Với kinh nghiệm ứng dụng mạng xã hội trong các hoạt động kinh doanh của mình, tôi nhận thấy sức mạnh vô cùng to lớn của nó. Hằng ngày tôi dành 50% thời gian lên mạng của mình để làm việc trên mạng xã hội. Tại sao tôi lại ứng dụng nó?
Thứ nhất, bởi nó đang là một phong trào của xã hội mà ở đó mỗi người được chia sẻ, phát triển hình ảnh và gây dựng thương hiệu của cá nhân mình. Nói đúng hơn, đó là cách mà thương hiệu cá nhân được bổ trợ tích cực cho thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm. Khi một cá nhân trở nên nổi bật thì thương hiệu và doanh nghiệp đó cũng trở nên nổi tiếng.
Thứ hai, mạng xã hội không chỉ là công cụ và không gian để làm việc mà thực sự là không gian để sống. Khi ứng dụng mạng xã hội, những khó khăn về sự bày tỏ, về khoảng cách địa lý được giải quyết và làm thỏa mãn đa số mọi người, chẳng hạn “Tôi có thể nắm bắt được hoạt động của bố tôi một cách cụ thể và gần gũi khi ông đang đi công tác tại Châu Phi. Bố tôi có thể yên tâm làm việc vì có thông tin của tôi thường xuyên tại Việt Nam”. Điểm khác biệt của mạng xã hội với các hình thức giao tiếp khác như email, blog là nó khiến mọi mối quan hệ trở nên khách quan và đa chiều. Email, blog thông thường mang tính hai chiều mà thôi. Mạng xã hội là sự phát triển tích cực của nhu cầu giao tiếp trong thời hiện đại.
Thứ ba, mạng xã hội là nơi tìm kiếm và chia sẻ thông tin vô cùng hiệu quả. Với một cái tên hoặc email, chúng ta có thể nhanh chóng tìm thấy nhau. Một hoạt động của cá nhân hay doanh nghiệp có thể được hưởng ứng với số đông mọi người. Khi đó, họ bàn luận và tương tác với nhau, thăm dò và xây dựng các mối quan hệ hữu ích với nhau.
Thứ tư, mạng xã hội mang đến những mối quan hệ bình đẳng dựa trên mong muốn, ý chí của những người tham gia. Đây là điều lý thú nhất của mạng xã hội. Khi tham gia vào mạng xã hội, những thói quen tiêu cực như coi trọng bằng cấp hình thức, coi trọng quyền lực hình thức, coi trọng đồng tiền hình thức sẽ khó phát triển. Ai cũng như ai, mỗi người được quyền sống theo cách mà họ muốn. Và cũng chính trên mạng xã hội, theo quy luật của nhân quả, họ sẽ không nhận được cái mà họ không xứng đáng. Ví dụ như họ sẽ không được yêu quý và đón nhận nếu họ không mang đến những giá trị đích thực cho người khác. Họ không được để ý và quan tâm nếu họ không chủ động tham gia. Họ sẽ bị người khác phê bình nếu họ làm điều gì không hợp lý. Và họ cũng sẽ bị bắt nếu họ làm điều gì trái với pháp luật.
Khi tôi nhận thấy vai trò của nó, tôi không ngừng ứng dụng linh hoạt nó. Tôi hiểu điều gì nên làm và không nên làm trên mạng xã hội.

  • Là giảng viên, diễn giả cho các khóa đào tạo, hội thảo trong nước và khu vực về lĩnh vực tiếp thị số, ngoại giao số…, chị nhận định thế nào về ưu thế của tiếp thị số so với tiếp thị truyền thống?
Tôi là một người nghiên cứu về tiếp thị số. Tôi tham gia các buổi giảng dạy và chia sẻ vì mong muốn những nghiên cứu của mình được tác động vào xã hội. Lý do tôi nghiên cứu và giảng dạy bộ môn này vì tôi thấy đó là một xu thế không thể cưỡng lại của truyền thông.
Tại sao? Vì thực tế đang diễn ra và nhiều bằng chứng cho thấy điều đó. Trong bảng xếp hạng của Miniwatts Marketing Group, tính đến hết tháng 3 năm 2008, Việt Nam đứng thứ 17 trong top các quốc gia có nhiều người sử dụng Internet nhất thế giới. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng số người dùng internet nhanh số 1 thế giới (giai đoạn 2000-2008), tăng 9.561,5 %, gấp 7,8 lần so với quốc gia đứng thứ hai. Đường truyền ADSL Việt Nam phát triển với tốc độ 300%/năm. Tính đến ngày 13/1/2010, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thông báo Việt Nam đã có 100.000 tên miền quốc gia “.vn”. Tốc độ phát triển tên miền là 170%/năm. Việt Nam sẽ đứng thứ nhất trong khu vực ASEAN trong năm 2010. Báo cáo tiếp thị công nghệ số (Digital Marketing) của ADMA (hiệp hội tiếp thị công nghệ số Châu Á) cho rằng Việt Nam hiện tại có hơn 16 triệu người dùng Internet tham gia vào truyền thông xã hội (dưới nhiều hình thức: blog, web cá nhân, mạng xã hội).  Việt Nam là quốc gia có lượng người sử dụng Facebook tăng nhanh nhất thế giới, tính đến 15/3/2010 đã có 1.084.160 người, chiếm 0,34% lượng người sử dụng Facebook trên toàn thế giới. Một con số không nhỏ nếu chúng ta biết rằng, tại thời điểm tháng 4/2009, con số này chỉ vào khoảng 73.280 người sử dụng, khi đó Việt Nam còn nằm vị trí áp chót trong số 30 nước sử dụng Facebook ít nhất thế giới.
Với thực tế đó, tôi nhận định trong vòng 05 năm tới, mỗi cá nhân sẽ có một blog, mỗi doanh nghiệp sẽ có một website và mỗi người sẽ ít nhất tham gia một mạng xã hội. Khi đó, thời gian mỗi người dành cho internet sẽ chiếm đa số thay vì truyền hình như ngày nay. Và công việc tiếp thị và truyền thông buộc phải thay đổi theo thói quen này. Tiếp thị số sẽ không còn là một xu hướng mà trở nên phổ biến và phổ quát.

  • Xin cảm ơn chị.
Lại Hợp Nhân thực hiện
Nguồn: http://dddn.com.vn/20100409124450527cat67/tiep-thi-so-va-mang-xa-hoi-cong-cu-chien-luoc-moi-cua-doanh-nghiep.htm

Không có nhận xét nào: