Thế giới sẽ không bao giờ tồn tại, hay không bao giờ phát triển nếu không có sự khát khao, không có sự sáng tạo của con người. Từ thế hệ này qua thế hệ kia, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, sự khát khao, sự đòi hỏi hay nói đúng hơn là sự thèm khát của con người đã làm cho thế giới này thay đổi. Và cứ mỗi khát khao cháy bỏng ấy, là một định hướng, một nhiệm vụ và những tâm giá trị được vạch ra. Nó như một cái kim chỉ nam cho hành động; là một cái hải trình cho một thuỷ thủ; là căn nguyên cho một môi trường hoạt động; là cốt lõi cho sự thành công. Nó chính là tầm nhìn, sứ mệnh và tâm giá trị của một công ty.
Cùng trong những đặc điểm ấy, tầm nhìn, sứ mệnh và tâm giá trị đóng một vai trò cốt yếu tạo dựng văn hoá doanh nghiệp. Những nhà lãnh đạo của những công ty luôn đề ra một chiến lược, mà nơi đó vị lãnh đạo ấy tập hợp tất cả mọi người lại để họ cùng đóng góp, xây dựng vượt lên khả năng của bản thân mỗi cá nhân của họ. Nó giống như một bản nhạc cho một dàn nhạc giao hưởng, mà mỗi thành viên sử dụng một nhạc cụ để đóng góp vào bản nhạc ấy dưới sự hướng dẫn của một nhạc trưởng-lãnh đạo. Và chính nó là nền tảng, là lý do cho mọi người tập hợp lại với nhau và cùng đi trên một con đường. Bất kể họ là ai, là những người thân cận, hay những người không hề quen biết...thì họ đều đến với nhau để chia sẻ những thành công và thất bại. Vậy tại sao ba yếu tố này lại có sức mạnh đến như vậy?
Theo một nghiên cứu về doanh nghiệp của Trường Đại học Asland (Hoa Kỳ) do phó trưởng Khoa Doanh nghiệp, TS. Daniel E. Fox đứng đầu cho biết, 89% số công ty ở Hoa Kỳ đề ra tầm nhìn và sứ mệnh, song chỉ có 23% số cán bộ công nhân viên của những công ty này thừa nhận công ty đã thực hiện theo những gì họ nêu ra trong sứ mệnh. Song một câu hỏi được đặt ra rằng, tại sao chúng ta phải đề cao tầm nhìn, sứ mệnh và tâm giá trị? Bởi vì chính những khách hàng là những người đã viết lên cái tầm nhìn và sứ mệnh cho công t, dựa trên những gì mà công ty đã cung cấp cho họ. Và chúng ta nên hỏi bản thân, những người làm doanh nghiệp rằng, tầm nhìn và sứ mệnh của khách hàng có phải là những gì chúng ta muốn không? Hay nói một cách khác, những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay, là những gì mà khách hàng đang và sẽ có nhu cầu. Vậy tầm nhìn, sứ mệnh và tâm giá trị là gì vậy? Chúng ta hãy cùng thảo luận vấn đề này.
Nhà lãnh đạo tạo nên tầm nhìn, hay tầm nhìn tạo nên nhà lãnh đạo?
Một câu hỏi được đặt ra với bà Helen Keller rằng: “Cái gì tồi tệ hơn khi một người bị mù từ khi sinh ra?” và một câu trả lời đầy kiên quyết của bà rằng, “là những người có thị giác mà không có tầm nhìn”. Vậy tầm nhìn là cái gì mà khủng khiếp vậy? Theo Từ điển Webster thì, Tầm nhìn được hiểu như một hành động hay một sức mạnh mà con người ta đoán được rằng nó sẽ xảy ra trong tương lai. Nó là một phương hướng rõ ràng cho một công ty. Hay nói một cách ví von của những nhà lãnh đạo kiệt xuất là họ biết họ đang đi đâu, và họ có khả năng lôi kéo được mọi người cùng đi đến đó với họ.
Tầm nhìn thường gắn liền với vai trò của nhà lãnh đạo. Một cuộc tranh cãi đã xảy ra với một câu hỏi rằng, nhà lãnh đạo tạo nên tầm nhìn, hay tầm nhìn tạo nên nhà lãnh đạo? Tiến sỹ John C. Maxwell đã thừa nhận rằng, chính tầm nhìn đã tạo nên nhà lãnh đạo, vì theo ông có rất nhiều những nhà lãnh đạo đã mất khả năng lãnh đạo vì họ mất khả năng đánh giá, nhìn nhận tương lai cho tổ chức. Trên tập san của trường Đại học Thương mại Harvard đã viết, “một nhà lãnh đạo có tầm nhìn giống như một hoạ sỹ tài ba, rằng ông có khả năng vẽ cho mọi người nhìn thấy được một bức tranh toàn cảnh, mà nơi đó ông muốn đưa mọi người đến chiêm ngắm”. Như vậy, nhà lãnh đạo có tầm nhìn là những người nhìn thấy rõ hơn mọi người, nhìn thấy xa hơn mọi người và nhìn thấy khi mọi người chưa nhìn thấy.
Dee Hock, nguyên là sáng lập viên, chủ tịch, giám đốc điều hành tập đoàn tiền tệ VISA, một người được coi là “có tầm nhìn nghìn tỷ,” có lần ông đã nói, “một tổ chức càng thành công, thì tổ chức đó càng nắm lấy những thứ vô hình, và VISA cố gắng thực hiện con đường đó.” Hoàn toàn chính xác, trong khi cả thế giới chưa bao giờ có ý tưởng về trao đổi và lưu thông tiền tệ bằng thẻ tín dụng, thì chính ông bằng tầm nhìn của ông, ông đã nhận ra. Ông đã nhìn thấy mọi người có thể sẽ giữ tiền, rút tiền từ khắp mọi nơi trên thế giới chỉ qua một cái thẻ. Và, ngay từ năm 1970, công ty đã có tốc độ siêu phát triển với 10 000% và sau đó mỗi năm tăng thêm 20% của con số đó. Ngày nay, công ty đã mở rộng mạng lưới trên 200 quốc gia.
Dù vậy, theo John Francis "Jack" Welch, Jr, nguyên chủ tịch, kiêm tổng giám đốc điều hành tập đoàn General Electric (GE), một người được coi là “nhà lãnh đạo của thế kỷ 20” thì, nhà lãnh đạo có một tầm nhìn chưa đủ, mà nhà lãnh đạo đó cần phải chỉ cho tất cả mọi người trong công ty thấy được tầm nhìn ấy và cùng nhau đạt được tầm nhìn ấy. Nói như vậy, một tầm nhìn của công ty cần phải được tất cả mọi người trong công ty tham gia, chia sẻ, phấn đấu… Nó trở thành như một hơi thở đồng điệu. Nó thúc đẩy mọi người cùng chung chí hướng để đạt tới. Nó đưa đến cho mọi người niềm tin. Và tất cả, nó là tiền đề cho một Văn hoá Doanh nghiệp.
Để chàng David nhỏ bé đấu lại tên khổng lồ Goliath...
Trong khi tầm nhìn khơi nên nguồn cảm hứng, phương hướng hoạt động của công ty, thì sứ vụ đặt vai trò vào công việc, nghĩa vụ phải hoàn thành. Sứ mệnh của chúng ta thường trả lời câu hỏi, “Nếu tầm nhìn của chúng ta đặt ra để đóng góp xây dựng thế giới này, thì chúng ta phải làm gì ngày qua ngày để đạt được mục tiêu đó?” Tác giả của của của cuốn sách, “7 habits of highly effective people” (Bảy thói quen của những người hiệu quả), Tiến sỹ Stenphen R. Covey đã khẳng định, sứ mệnh là khúc ruột của một tổ chức. Nó là sự sống cho sự thành công của doanh nghiệp. Và ông còn khẳng định, để tầm nhìn của tổ chức được thực hiện, thì tất cả mọi người nên nhiệt tình tham gia, không chỉ những cấp lãnh đạo, những người hoạch định kế hoạch, hay những người tạo nên đường hướng thực hiện mà tất cả mọi người phải nên tham gia. Vì theo ông, chỉ khi tham gia thì mọi người mới có trách nhiệm.
Hơn nữa, chúng ta phải thừa nhận rằng, chúng ta chỉ muốn thực hiện những gì mà chính chúng ta đề ra. Nói như vậy, sứ mệnh của một tổ chức là tổng hoà các sứ mệnh của các thành viên đơn lẻ, tức là tất cả mọi người cùng tham gia đóng góp. Trong một cuốn sách có tựa đề “Bản đồ chiến lược” của hai tác giả nổi tiếng Robert S. Kaplan và David P. Norton, do Trường Đại Học Harvard ấn hành năm 2004, cuốn sách đề cập đến vấn đề chuyển đổi từ những nguồn lực vô hình đến những sản phẩm cụ thể đã khẳng định, một trong những tác nhân quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hoá doanh nghiệp đó là sứ mệnh vì nó tạo nên một động cơ làm việc. Nó đòi hỏi tất cả mọi cá nhân từ tất cả các cấp độ phải thực hiện theo.
Một trong những vấn đề mà nhiều công ty gặp phải, thậm chí ngay cả trong gia đình, các thành viên thường có những mục tiêu, có những con đường theo đuổi mang tính chất cá nhân, không cùng với con đường chung của tổ chức, cũng như gia đình. Từ chính sự không đồng lòng, đồng sức này làm cho các tổ chức bị phân rẽ, lộn xộn và tất nhiên mục tiêu không bao giờ hoàn thành một cách thành công. Để biết được vấn đề công ty có thể thực hiện tốt mục tiêu hay không, chúng ta nên đặt câu hỏi, “Có bao nhiêu thành viên trong công ty biết chúng ta có bản thống báo sứ mệnh?” hay, “Có bao nhiêu thành viên cùng tham gia viết nên bản sứ mệnh này?” Và, “Có bao nhiêu người thực sự theo những gì mà công ty đã đề ra trong sứ mệnh?”.
“Ai ai cũng có thể lái được con tầu, nếu có một nhà lãnh đạo vẽ cho họ hải trình” - Tiến sỹ John C. Maxwell. |
Một trong những câu chuyện nổi bật về thực hiện văn hoá doanh nghiệp dựa trên sứ mệnh là Colleen Barrett, đương kim Chủ tịch, kiêm Giám đốc phát triển Southwest Airlines, một trong năm mươi người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Fortune bầu chọn. Ngay từ những năm đầu làm việc cùng công ty, bà đã cùng với Herb Kelleher phải trải qua nhiều khó khăn trên sứ mệnh giữ gìn sự tồn tại và phát triển của công ty. Sau những năm đầy sóng gió, rồi đi lên phát triển, bà đã nhớ lại, công ty của bà giống như chàng David nhỏ bé đấu lại tên khổng lồ Goliath, tất cả mọi đối thủ cạnh tranh đều muốn xoá đi sự tồn tại của công ty. Song những đối thủ cạnh tranh càng làm khó khăn bao nhiêu thì tinh thần đoàn kết của chúng tôi càng tăng lên bấy nhiêu. Vậy bí quyết của họ là cái gì vậy? Đó là tinh thần đồng đội. Tại công ty tất cả mọi người dưới sự lãnh đạo của ban lãnh đạo trong đó có bà đã vạch ra con đường làm thế nào họ có thể làm cùng nhau và tạo nên kết quả cao. Họ tập trung làm những công việc đúng đắn cho bản thân họ, cho công việc kinh doanh và cho những hành khách của họ. Vì sứ mệnh của họ là “sự phục vụ tốt nhất, trao tặng sự nồng nhiệt, thân thiện, ghi nhận cá nhân và tinh thần công ty”. Từ sứ vụ này, Colleen đã nhận ra, văn hoá công ty không phải tự nhiên mà có, mà nố cần phải có thời gian, cố gắng, kế hoạch, thậm chí phải có một chiến lược phát triển mối quan hệ trong tổ chức. Và từ chính những nhiệm vụ này, hay nói khác hơn những sứ mệnh này mà mọi người ngày ngày thực hiện đã tạo nên Văn hoá doanh nghiệp.
Tâm tạo ra trí, trí tạo ra tiền bạc
Trong khi có rất nhiều dịch giả dịch từ "core values" là giá trị cốt lõi, và điều đó chính xác, song với tôi tôi muốn dịch từ này bằng "tâm giá trị" với nghĩa rằng, tổ chức, thậm chí mỗi cá nhân chúng ta có rất nhiều những thế mạnh, và những giá trị khác nhau, nhưng không phải tất cả những giá trị đó đều mang đến một kết quả cao. Một trong những khả năng lãnh đạo thành công ngày nay là khả năng biết lựa chọn, ưu tiên, và chính sự lựa chọn ưu tiên những thế mạnh từ cao đến thấp hay từ trong trung tâm ra đến ngoài. Đó chính là tâm giá trị. Hơn nữa, tâm giá trị còn có ý nghĩa hành động, mục tiêu của tổ chức còn phải xuất phát từ chính cái tâm của con người. Trong “Thương chiến binh pháp” đã viết “Tâm tạo ra trí, trí tạo ra tiền bạc”. Cái tâm chính là cốt lõi của sự thành công.
Tâm giá trị được hiểu như là những giá trị tiêu chuẩn mà nó có thể chỉ dẫn cho mọi người hành động, cũng như những hành vi ứng xử trong tổ chức với nhau trên con đường chinh phục tầm nhìn. Ví dụ như tâm giá trị của tập đoàn GE bao gồm kiên định, đáp ứng nhu cầu xã hội, môi trường, sức khoẻ và an toàn, cải tiến và chất lượng.
Trong khi một câu hỏi được đặt ra trong sứ mệnh là “Chúng ta là ai?” thì một trong những câu hỏi luôn luôn được đặt ra trong tâm giá trị rằng, cái gì là thứ quan trọng đối với chúng ta? Như vậy, công ty đã đưa ra những tâm giá trị nhằm mục đích nối kết tất cả những thành viên công ty của họ và tất cả mọi thành viên phải kiên địch thực hiện những mục tiêu của công ty.
Nói như vậy, tâm giá trị được đề cao về vấn đề thái độ của mọi thành viện trong tổ chức vào mục tiêu và quy trình làm việc của tổ chức. Nói như Jamie S. Walters, tác giả của cuốn sách “Kinh doanh nhỏ với một tầm nhìn lớn,” đã viết, “Tâm giá trị cũng như những chức năng có thể được ví như xương sống của kinh doanh, những giá trị ấy cho phép chúng ta thực hiện những sứ mệnh và tầm nhìn, nó chỉ ra thái độ của chúng ta đối với việc kinh doanh của chính chúng ta.
Với ba yếu tố tầm nhìn, sứ mệnh và tâm giá trị có ý nghĩa không chỉ là những tôn chỉ được viết lên một cái bảng để treo lên tường, mà với tầm nhìn nó sẽ giúp mỗi thành viên trong công ty, những đối tác của công ty hiểu được chính xác công ty của chúng ta đang làm gì và tại sao chúng ta đang đầu tư sức lực, tiền tài cho những công việc đang làm. Hơn nữa từ những yếu tố này chúng ta có thể trả lời cho câu hỏi của chính mỗi cá nhân rằng, chúng ta đang nghĩ về thế giới này như thế nào? Rồi họ sẽ đánh giá chúng ta là ai? Song trên hết, tầm nhìn, sứ mệnh và tâm giá trị sẽ là một bản đồ chiến lược trên con đường trinh phục sự nghiệp, chinh phục ước mơ không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn cho cả một tổ chức. Nó là khí thế, là sức mạnh cơ bản đưa công ty tới thành công.
Tôi xin được kết thúc bài viết này bằng mượn lời của của Tiến sỹ John C. Maxwell trong cuốn sách "21 Nguyên Tắc Vàng Trong Nghệ Thuật Lãnh Đạo" rằng “Ai ai cũng có thể lái được con tầu, nếu có một nhà lãnh đạo vẽ cho họ hải trình”. Điều đó hoàn toàn chính xác, song con tầu không bao giờ có thể vượt được đại dương nếu chỉ có người thuyền trưởng, và chính vì thế nó cần cả một tập thể - tập thể của một đoàn kết. Và sự đoàn kết ấy đều đi lên từ chính Tầm nhìn, Sứ mệnh, và Tâm giá trị của công ty.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét