Micronews

Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Bảo vệ tên miền là tăng lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số

Theo số liệu điều tra mới nhất, tại Việt Nam có trên 28,6 triệu người sử dụng internet (tương đương với tỷ lệ 33,04% dân số). Việt Nam đang đứng đầu các quốc gia có số lượng đăng ký tên miền quốc gia (dot.vn) nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á với gần 200.000 tên miền, đạt tốc độ tăng trưởng tên miền 170%/năm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, phần lớn mọi tổ chức, DN và cá nhân chưa ý thức được ý nghĩa của tên miền và thương hiệu số.
Căn cứ vào số liệu điều tra về thực trạng tên miền tại Việt Nam do Tập đoàn Micronet thực hiện, có tới 31/35 hiệp hội chưa đăng ký tên miền .com.vn (68%), 29/35 hiệp hội chưa đăng ký tên miền .vn (62%). Trong số 68 nhân vật hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, xã hội, chính trị, nghệ thuật… được điều tra, có 62 tên miền .vn chưa được đăng ký (91%), 63 tên miền .com.vn chưa được đăng ký (92,6%), 37 tên miền .com chưa được đăng ký (54%). Cùng với đó, trong số 50 chương trình thường niên, chương trình truyền hình, chương trình quốc gia và phi chính phủ có 31 (62%) chương trình chưa đăng ký tên miền .com.vn, 23 chương trình chưa đăng ký tên miền .vn và 7 chương trình chưa đăng ký tên miền .com.
Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, cuộc điều tra 52 ngân hàng nhà nước, ngân hàng ngoài quốc doanh và ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy, trong số các tên miền đã đăng ký, có tới 20 tên miền thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức khác (chiếm tới 40,81%). Bà Trần Tố Loan, GĐ Đối ngoại của Tập đoàn Kinh tế Internet Micronet cho biết: “Tên miền hoạt động dựa trên nguyên tắc duy nhất trên phạm vi toàn cầu, ở Việt Nam, sau thời gian cấp phát ưu tiên, VNNIC cấp phát tự do theo quy định: Ai đăng ký trước được cấp phát trước. Trong khi các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam vẫn chưa nhận thức được vai trò quan trọng của tên miền trong nền kinh tế mạng thì các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã nhanh tay đăng ký trước, đến khi doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh hay quảng bá thương hiệu trên internet đi đăng ký thì mới biết tên miền đã bị đăng ký từ trước đó. Không chỉ chậm chân trong việc đăng ký mà nhiều DN không thực hiện chính sách đăng ký bao vây tên miền, có trường hợp đăng ký rồi lại quản lý lỏng lẻo dẫn tới bị mất tên miền. Đây chính là những nguyên nhân, những “khe hở” để những người sớm ý thức được vai trò của tên miền đăng ký  các tên miền quan trọng của tổ chức, DN và cá nhân nổi bật nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi.
Bà Lê Thúy Hạnh phát biểu tại Buổi gặp mặt Giới thiệu Chương trình Bảo vệ Tên miền Việt Nam
Đưa ra dẫn chứng một số tên miền quốc gia quan trọng của Việt Nam đang được một chủ thể ở nước ngoài rao bán với giá hàng trăm ngàn USD; hoặc như Samsung mobile phải chật vật mới “đòi” lại tên miền, bà Lê Thúy Hạnh, Phó TGĐ Tập đoàn Micronet khẳng định, có tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” ở lĩnh vực tên miền. Bà Hạnh cũng lưu ý, thời điểm tháng 8/2006 rất nhiều tên miền quan trọng của VN đã bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài mua trước, đặc biệt là các nhà đầu tư tại Mỹ, Hàn Quốc. Nói về tầm quan trọng của tên miền, bà Hạnh trích lời  một giáo sư của Đại học Harvard: “Ranh giới số hiện nay chính là trung tâm của vũ trụ, nếu không có tên miền sẽ rất khó khăn trong phát triển kinh tế internet”. Việc đánh mất tên miền trở thành một nguy cơ rất “khủng khiếp” đối với DN, nhất là khi tên miền đó được trỏ về website có những thông tin  sai lệch, méo mó thất thiệt gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của DN.
Bà Lê Thúy Hạnh khẳng định, để làm chủ được của nền kinh tế internet phải giữ được tên miền. Cũng từ nhận thức này mà ngay từ năm 2005 đến nay, Micronet đã đăng ký và sở hữu gần 2.000 tên miền đẹp để phát triển 31 hệ thống mạng bao phủ mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặc dù chỉ chiếm 1% số tên miền đăng ký tại Việt Nam nhưng những tên miền này đang chiếm tới 20% về giá trị.  Cũng trong quá trình nghiên cứu về tên miền để quy hoạch hệ thống mạng của mình, Micronet thấy có nhiều tên miền quan trọng bị bỏ ngỏ nên đã đưa vào danh sách bảo vệ. Micronet không chỉ đăng ký, mà còn nộp phí duy trì những tên miền này trong nhiều năm và “chờ đợi” đến khi tổ chức, DN nhận thức rõ được tầm quan trọng của tên miền thì Micronet sẽ chuyển giao và chỉ nhận lại khoản phí đúng bằng số tiền đăng ký tên miền và phí duy trì mà Micronet đã bỏ ra trước đó. Ngoài ra, Micronet còn tặng lại các tên miền mình bảo vệ cho các tổ chức phi lợi nhuận như với WWF.
Khâm phục hành động “dũng cảm” tự bỏ ngân sách hơn 200 triệu đồng để tài trợ cho hoạt động của Chương trình Bảo vệ tên miền Việt Nam trong thời điểm hiện nay của Micronet, ông Nguyễn Dương Huy Vũ, GĐ Công ty Fibo đánh giá, trong khi nhiều DN khác chỉ truyền thông và bán tên miền thì Micronet lại phát hiện những tên miền chưa đăng ký thì làm thủ tục đăng ký và truyền thông để DN đó nhận lại. Ông Vũ cũng chia sẻ, độ dũng cảm của Fibo chỉ bằng 1/10 so với Micronet mặc dù tình hình kinh doanh của sàn giao dịch tên miền thương hiệu của Fibo cũng thua lỗ triền miên trong 2 năm qua. Với việc tự nghiên cứu viết phần mềm giải thuật để có thể sàng lọc và xác định rõ tên miền đã được đăng ký có thuộc về chủ nhân đích thực của nó hay không, đến nay Fibo gần như là DN duy nhất tại Việt Nam đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại phục vụ cho việc thương lượng và giao dịch tên miền. Ông Vũ cho biết, chi phí để duy trì bộ máy hoạt động của sàn giao dịch này khá lớn và tần suất giao dịch tên miền tại sàn trung bình khoảng 10 giao dịch/tháng. Mặc dù tỷ lệ thành công rất cao, khoảng 90%, nhưng mỗi tháng Fibo đều bị lỗ khoảng 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình (áo kẻ) chuyển giao tên miền cho đại diện Tập đoàn Bitexco
Ý thức rõ ràng việc bảo vệ tên miền Việt Nam là bảo vệ lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế số, từ tháng 6/2011, Micronet đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình Bảo vệ tên miền Việt Nam với sự hỗ trợ của các đối tác lớn như FPT, Fibo… Ông Nguyễn Thanh Bình, TGĐ của Micronet cho biết. Đây là chương trình xã hội hóa kinh doanh, nằm trong định hướng tuyên truyền và bảo vệ thương hiệu quốc gia trên môi trường mạng internet toàn cầu. Chương trình đã cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin  về tên miền và đưa ra các giải pháp nhằm củng cố và gia tăng lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế Mạng internet toàn cầu. Trên cơ sở những nghiên cứu phân tích, đánh giá khoa học, Chương trình muốn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về vai trò của tên miền nói riêng và kinh doanh trên mạng internet nói chung. Thông qua chương trình, tạo ra một cộng đồng những người quan tâm đến tên miền và việc phát triển thương hiệu trực tuyến để cùng nhau bảo vệ những tên miền quốc gia quan trọng.
Tính đến ngày 22/7/2011, Micronet đang bảo vệ cho 75 tên miền cho các bộ,  hiệp hội, các tập đoàn kinh tế, tổ chức, chương trình, dự án…quan trọng. Đồng thời đã chuyển giao 23 tên miền cho tổ chức, ngân hàng, DN lớn tại Việt Nam.

Hồng Thoan
(Theo Thời báo Kinh tế)

Không có nhận xét nào: