Micronews

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Bức thư từ Mark Zuckerberg trước IPO

Nhân sự kiện Facebook sắp IPO, trở thành một công ty đại chúng, CEO - nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã gửi tới những nhà đầu tư tiềm năng một bức thư bày tỏ những mục tiêu, giá trị cốt lõi của Facebook cũng như những suy nghĩ của mình. Dưới đây là bản dịch tiếng Việt của bức thư, Blog Lê Thúy Hạnh xin gửi tới bạn để hiểu rõ hơn về mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Facebook được tạo ra không phải để trở thành một công ty. Nó được xây dựng để thực hiện một nhiệm vụ xã hội: tạo ra một thế giới mở hơn, kết nối tốt hơn.

Chúng tôi nghĩ rằng đó là thông điệp quan trọng mà Facebook muốn gửi đến tất cả những cổ đông tương lai - những người muốn đầu tư vào Facebook. Bạn phải hiểu nhiệm vụ đó có ý nghĩa như thế nào với chúng tôi, nó ảnh hưởng thế nào đến cách chúng tôi ra quyết định và những việc chúng tôi làm.

Tại Facebook, chúng tôi lấy cảm hứng từ những công nghệ đã làm nên cuộc cách mạng về cách truyền bá thông tin. Chúng tôi thường nói về các phát minh như báo in, TV. Chúng làm cho sự giao tiếp hiệu quả hơn, từ đó thông tin đã được chuyển tiếp hoàn thiện hơn trong xã hội. Chúng đã giúp thêm nhiều người bày tỏ suy nghĩ của mình. Chúng khuyến khích sự tiến bộ. Chúng thay đổi cách tổ chức xã hội. Chúng mang chúng ta lại gần nhau hơn.

Hôm nay, Facebook đã đạt đến một cột mốc mới. Chúng ta đang sống trong thời kì mà rất nhiều người truy cập internet từ cả máy tính, điện thoại... cần 1 công cụ để chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận với bất cứ ai mà họ muốn. Facebook mong muốn xây dựng 1 dịch vụ mang lại quyền chia sẻ cho mọi người và giúp họ một lần nữa làm chuyển dịch những nền móng cơ bản của chúng ta.

Có một nhu cầu cũng như cơ hội rất lớn để mọi người trên thế giới cùng kết nối, để chia sẻ, và để biến đổi xã hội tương lai. Quy mô của công nghệ và cơ sở hạ tầng phải xây dựng là chưa từng có và chúng tôi tin đây là vấn đề quan trọng nhất mà mình phải tập trung.

Thắt chặt các mối liên kết giữa tất cả mọi người

Mặc dù nhiệm vụ có vẻ rất lớn lao nhưng thực ra tất cả bắt đầu từ những mối quan hệ rất nhỏ, như quan hệ giữa 2 người với nhau vậy.

Mỗi mối quan hệ cá nhân là những mắt xích để tạo nên xã hội. Mối quan hệ là cách chúng ta khám phá ra những điều mới mẻ, giúp chúng ta hiểu thế giới và tận hưởng những niềm vui mà thế giới mang lại.

Tại Facebook, chúng tôi xây dựng các công cụ giúp mọi người kết nối với nhau và chia sẻ những gì họ muốn. Bằng cách đó, Facebook giúp mọi người xây dựng và duy trì các mối quan hệ.

Khi mọi người chia sẻ nhiều hơn - ngay cả chỉ với những người bạn thân hay gia đình mình - họ sẽ tạo ra một nền văn hóa mở hơn, từ đó nâng cao sự hiểu biết về cuộc sống và quan điểm của những người khác. Chúng tôi tin điều này tạo ra nhiều sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa những người dùng với nhau, giúp họ được tiếp xúc với các quan điểm, cách nhìn nhận đa dạng từ người khác.

Bằng việc giúp mọi người tạo ra các mối quan hệ này, Facebook hy vọng sắp đặt lại cách mọi người truyền bá và sử dụng thông tin. Chúng tôi nghĩ cơ sở hạ tầng thông tin của thế giới nên giống với đồ thị xã hội, một hệ thống được xây dựng từ dưới lên, hoặc ngang hàng, thay vì từ trên xuống như cách nó đã tồn tại từ trước đến nay. Facebook cũng tin rằng việc trao quyền để người dùng chia sẻ những gì họ muốn là một nguyên tắc cơ bản của sự thay đổi này.



Facebook giúp mọi người kết nối và chia sẻ (Nguồn ảnh: Facebook)

Facebook đã giúp hơn 800 triệu người vạch ra hơn 100 tỷ kết nối từ khi thành lập và mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục thúc đẩy tiến trình này.

Cải tiến cách mọi người kết nối với doanh nghiệp và nền kinh tế

Chúng tôi cho rằng thế giới cởi mở và kết nối hơn sẽ giúp tạo nên nền kinh tế mạnh hơn. Doanh nghiệp sẽ có tính xác thực cao hơn, thúc đẩy sự ra đời của những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn.

Khi mọi người chia sẻ nhiều hơn, họ có khả năng tham khảo ý kiến từ những người họ tin tưởng về các sản phẩm và dịch vụ họ sử dụng. Điều này giúp họ tìm kiếm được những sản phẩm tốt nhất, nâng cao chất lượng và hiệu quả cuộc sống của mình.

Khi một doanh nghiệp làm ra được 1 sản phẩm, dịch vụ tốt, người dùng sẽ chia sẻ nó với bạn bè của họ. Cứ thế, những sản phẩm tốt sẽ được nhiều người biết đến. Các sản phẩm sẽ được đánh giá xoay quanh ý kiến người dùng. Đó sẽ là động lực để các công ty tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Chúng tôi nhận thấy rằng các sản phẩm và dịch vụ được chia sẻ trên mạng xã hội hấp dẫn hơn so với cách thức quảng cáo truyền thống và Facebook mong muốn nhiều sản phẩm hơn nữa trên thế giới được quảng bá theo cách này.

Nền tảng phát triển của Facebook đã giúp cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm với chất lượng cao hơn và mang tính xã hội hơn. Chúng ta đã chứng kiến những cách thức tiếp cận mới mang tính đột phá trong các ngành công nghiệp như game, nhạc và tin tức. Facebook hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều sản phẩm nữa đi theo cách tiếp cận này.

Bên cạnh việc xây dựng các sản phẩm tốt hơn, một thế giới cởi mở cũng sẽ khuyến khích doanh nghiệp đối thoại trực tiếp và bằng một cách đáng tin hơn với khách hàng. Hơn 4 triệu doanh nghiệp đã lập tài khoản trên Facebook để trao đổi với người dùng và chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục nhiều lên.

Thay đổi cách mọi người liên kết với chính quyền, các tổ chức xã hội

Chúng tôi hy vọng rằng các công cụ mà mình xây dựng để giúp mọi người chia sẻ có thể mang lại những cuộc đối thoại trung thực, minh bạch hơn với chính quyền, giúp người dân được trao quyền một cách trực tiếp hơn, chính quyền có trách nhiệm hơn và những giải pháp tốt hơn cho những vấn đề nổi cộm của thời đại.

Với việc trao quyền chia sẻ cho mọi người, chúng ta sẽ thấy tiếng nói của người dân có sức mạnh ở một quy mô khác với những gì đã có trong lịch sử. Những tiếng nói đó sẽ tăng lên cả về số lượng và sức nặng. Những tiếng nói đó sẽ không thể bị phớt lờ. Theo thời gian, Facebook hy vọng rằng chính phủ sẽ phản ứng nhanh hơn, trực tiếp với các vấn đề và mối quan tâm trong cộng đồng thay vì thông qua các báo cáo như truyền thống.

Cuối cùng, khi nền kinh tế đang dịch chuyển tới những sản phẩm chất lượng cao được cá nhân hóa, chúng tôi cũng mong chờ sự xuất hiện của những sản phẩm hướng tới cộng đồng mới để giải quyết những vấn đề quốc tế trong giải quyết việc làm, giáo dục và y tế. Chúng tôi sẽ trợ giúp quá trình này.

Nhiệm vụ và chiến lược kinh doanh

Như đã nói ở trên, Facebook được thành lập không phải để trở thành một công ty. Chúng tôi chủ yếu quan tâm đến nhiệm vụ xã hội, dịch vụ mà chúng tôi đang xây dựng và những người sử dụng dịch vụ đó. Đây là cách thức tiếp cận khác biệt của một công ty đại chúng, do đó, tôi muốn giải thích vì sao tôi cho rằng điều này.

Tôi khởi đầu bằng cách tự mình viết phiên bản Facebook đầu tiên bởi Facebook là thứ mà tôi muốn tạo ra. Kể từ đó, hầu hết các ý tưởng và mã lệnh tạo nên Facebook đều xuất phát từ những người có cùng lý tưởng trong đội ngũ Facebook.


Bức tường tại trụ sở Facebook, nơi mọi người có thể chia sẻ những ý tưởng của mình,
 hay viết những điều mình muốn (Nguồn ảnh: Internet)

Hầu hết mọi người trong công ty chủ yếu quan tâm đến việc xây xựng và trở thành một phần của sản phẩm vĩ đại, tất nhiên họ cũng muốn kiếm tiền. Qua quá trình xây dựng đội ngũ phát triển Facebook cũng như xây dựng cộng đồng các nhà phát triển, thị trường quảng cáo và nền tảng các nhà đầu tư, tôi nhận thức rằng xây dựng một công ty lớn mạnh với bộ máy kinh tế vững mạnh và sự tăng trưởng mạnh mẽ là cách tốt nhất để giúp các thành viên đứng lại cùng với nhau.

Nói ngắn gọn: chúng tôi không xây dựng dịch vụ để kiếm tiền. Chúng tôi kiếm tiền để xây dựng dịch vụ tốt hơn và tôi cho rằng đó là một cách tuyệt vời để dựng nên một thứ gì đó. Tôi tin rằng ngày càng nhiều người muốn sử dụng dịch vụ của các công ty có niềm tin vào điều gì đó xa hơn là tối đa lợi nhuận.

Bằng việc tập trung vào nhiệm vụ và xây dựng những dịch vụ tuyệt vời, chúng tôi sẽ tạo ra những giá trị lớn nhất cho cổ đông và đối tác lâu dài. Điều này cho phép chúng tôi tiếp tục thu hút thêm người tài và xây dựng những dịch vụ tốt hơn nữa. Facebook không bao giờ chìm đắm trong mục tiêu kiếm tiền nhưng chúng tôi hiểu rằng cách tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ của mình là xây dựng một công ty mạnh và có giá trị cao.

Đó cũng là cách chúng tôi nghĩ về đợt IPO này. Facebook sẽ trở thành công ty đại chúng cho nhân viên và các nhà đầu tư. Chúng tôi cam kết với các cổ đông tương lai khi trao cổ phần cho họ rằng sẽ làm việc chăm chỉ hơn để sự đầu tư đạt hiệu quả. IPO lần này cũng là những cam kết của Facebook. Khi trở thành công ty đại chúng, công ty sẽ cam kết như vậy với những nhà đầu tư mới và chúng tôi sẽ làm việc tốt để thực hiện những cam kết đó.

Con đường Hacker (Hacker Way)

Là một phần trong nhiệm vụ xây dựng một công ty mạnh, chúng tôi sẽ làm việc tốt hơn nữa để đưa Facebook trở thành một trong những nơi tốt nhất cho những người giỏi nhất tạo nên sự ảnh hưởng lớn đến thế giới và học hỏi từ những người giỏi khác. Facebook đã trau dồi văn hóa độc nhất và bước tiếp cận quản lý mà chúng tôi gọi đó là Hacker Way (con đường của Hacker).

Từ hacker có ý nghĩa khá tiêu cực thái quá, nhất là theo mô tả của giới truyền thông, ám chỉ đến những người tìm cách truy cập trái phép vào máy tính của người khác. Trong thực tế, hành động "hack" có nghĩa xây dựng cái gì đó nhanh chóng hay thử nghiệm việc vượt qua ranh giới nào đó. Giống như tất cả mọi thứ, nó có thể được sử dụng cho mục đích tốt đẹp hoặc xấu xa. Tuy nhiên, hầu hết những hacker mà tôi từng gặp có xu hướng là những người duy tâm và muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực với thế giới.

Hacker Way là cách tiếp cận để xây dựng một sản phẩm liên tục được cải tiến. Các hacker tin rằng một thứ gì đó luôn luôn có thể được làm tốt hơn và không có gì mãi mãi đạt được trạng thái hoàn hảo. Họ thường tìm cách sửa các lỗi còn sót trong khi mọi người coi điều đó là không thể hoặc bằng lòng với thực trạng của nó.

Hacker luôn cố gắng xây dựng những dịch vụ tốt nhất xét về lâu dài bằng việc học tập từ các bước nhỏ hơn là cố gắng giải quyết tất cả mọi vấn đề cùng lúc. Để áp dụng cách tiếp cận này, Facebook đã xây dựng 1 framework thử nghiệm cho phép thí nghiệm hàng nghìn phiên bản Facebook bất cứ lúc nào. Chúng tôi luôn ghi nhớ khẩu hiệu: Done is better than perfect (tạm dịch: chậm mà chắc) và khẩu hiệu được sơn khắp các bức tường để nhắc nhở tất cả nhân viên.

Hacker cũng chú trọng thực tế và thử nghiệm. Thay vì mất thời gian tranh luận xem ý tưởng mới có khả thi hay không, hay cách nào tốt nhất để xây dựng sản phẩm, hacker thường thử nghiệm một mẫu sản phẩm nào đó để xem các phương án khả thi. Xung quanh các văn phòng của Facebook, bạn sẽ dễ dàng nghe thấy những câu nói như: các đoạn mã (code) chiến thắng các lý luận.

Văn hóa hacker cũng cực kì mở và đãi ngộ người tài. Hacker tin rằng những ý tưởng được thực hành tốt nhất sẽ giành chiến thắng chứ không phải ở việc vận động cho một ý tưởng hay người quản lý.

Để khuyến khích cách tiếp cận này, cứ vài tháng một lần Facebook lại tổ chức cuộc đua hacker (hackathon). Ở đó, mọi người xây dựng các bản mẫu cho những ý tưởng mới mà mình có. Vào cuối sự kiện, toàn đội ngồi lại cùng nhau và xem các sản phẩm mà họ vừa tạo ra. Rất nhiều những sản phẩm thành công của chúng tôi xuất phát từ các ý tưởng trong các sự kiện này như Timeline, chat, video...


Một "hackathon" (Nguồn ảnh: Internet)

Để tất cả các kĩ sư của mình cùng chia sẻ cách tiếp cận này, chúng tôi yêu cầu tất cả các kĩ sư mới, thậm chí là các quản lý mà công việc không bao gồm viết mã lệnh, cùng trải qua một chương trình có tên gọi Bootcamp. Tại đây, họ sẽ được học về nền tảng mã lệnh(codebase) của công ty, các công cụ và các cách thức tiếp cận truyền thống của Facebook.

Các ví dụ trên đều nói về kĩ sư, nhưng chúng tôi đã chắt lọc những nguyên tắc này vào 5 giá trị chính của Facebook:

Tập trung vào sự ảnh hưởng

Nếu chúng ta muốn tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ, cách tốt nhất là tập trung vào giải quyết những vấn đề quan trọng nhất. Nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng tôi cho rằng hầu hết các công ty làm rất kém điều này và tốn nhiều thời gian. Chúng tôi kì vọng tất cả mọi người tại Facebook đều làm tốt việc tìm ra các vấn đề gai góc nhất và giải quyết chúng.

Hành động nhanh

Giúp chúng tôi xây dựng được nhiều sản phẩm hơn và học hỏi nhanh hơn. Tuy nhiên, với các công ty đã đạt được thành công, họ thường trở nên rất chậm trễ bởi họ sợ mình sẽ phạm sai lầm hơn là đánh mất cơ hội với việc tiến lên chậm chạp. Chúng tôi có một châm ngôn: "Hành động nhanh và tạo ra đột phá." Nếu bạn không bao giờ tạo ra sự đột phá, điều đó có nghĩa là bạn chưa bao giờ hành động đủ nhanh.


Nếu bạn không bao giờ tạo ra sự đột phá, điều đó có nghĩa là bạn chưa hành động đủ nhanh
(Nguồn ảnh: Internet)

Táo bạo

Xây dựng những sản phẩm tuyệt vời cũng có nghĩa là bạn đang mạo hiểm. Điều đó có thể thật đáng sợ và là yếu tố khiến hầu hết các công ty không dám tạo nên những sản phẩm táo bạo. Tuy nhiên, trong thế giới đang thay đổi quá nhanh hiện nay, bạn gần như chắc chắn thất bại nếu bạn không dám một lần mạo hiểm. Chúng tôi có một châm ngôn khác: "Điều mạo hiểm nhất là không bao giờ dám mạo hiểm." Chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người đưa ra những quyết định táo bạo, cho dù ý kiến đó có sai ở thời điểm nhất định nào đó.

Cởi mở

Chúng tôi tin rằng thế giới mở là thế giới tốt hơn bởi khi mọi người có nhiều thông tin, họ có thể có nhiều quyết định xác đáng hơn và tạo ra ảnh hưởng lớn hơn. Đó cũng là châm ngôn khi chúng tôi điều hành Facebook. Chúng tôi làm việc chăm chỉ để tất cả mọi người tại Facebook truy cập được nhiều thông tin nhất có thể về mọi lĩnh vực của công ty, giúp họ đưa ra những quyết định tốt nhất và tạo ra tầm ảnh hưởng lớn nhất.

Xây dựng giá trị xã hội

Một lần nữa, Facebook tồn tại để làm thế giới thêm cởi mở và kết nối, không phải chỉ để trở thành một công ty. Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người tại Facebook tập trung hàng ngày vào nhiệm vụ xây dựng giá trị thực sự cho thế giới, ở tất cả những việc họ làm.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc bức thư này. Chúng tôi tin rằng có một cơ hội để chúng tôi tạo nên tầm ảnh hưởng quan trọng lên thế giới và xây dựng công ty bền vững. Tôi mong đợi có thể cùng bạn xây dựng nên những điều tốt đẹp.


Mục tiêu của Facebook: Làm thế giới mở và kết nối hơn (Nguồn ảnh: Internet)


Theo GenK/CNN 
Dịch TCCL.info

Không có nhận xét nào: